Hầu hết mức học phí các trường đều được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh khiến nhiều sinh viên cũng như các thí sinh, phụ huynh có con em chuẩn bị thi vào các trường Đại học lo lắng.
Mức tăng học phí gấp 2-5 lần
Mới đây, thông tin học phí ở nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khoẻ, y dược tăng cao đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Với mức phí cao nhất lên đến 70 triệu đồng/năm, áp dụng cho tất cả các ngành, Đề án tăng học phí của trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm lớn từ những sinh viên đang theo học tại trường và cả những học sinh đang có dự định thi vào đây. Cụ thể, theo Đề án, ngành răng hàm mặt có mức học phí mỗi năm học là 70 triệu đồng, ngành y khoa là 68 triệu đồng, ngành kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng, ngành dược học là 50 triệu đồng.
Các ngành cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm học là: Điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Hai ngành cùng có mức học phí 38 triệu đồng/năm học là y học dự phòng và y học cổ truyền. Ngành y tế công cộng và dinh dưỡng có học phí 30 triệu đồng/năm học. Ngoài ra, mức học phí các năm tiếp theo tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Chia sẻ về vấn đề này, bạn Thu Yến, sinh viên ngành y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức học phí được điều chỉnh là vấn đề nan giải đối với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, ngành của Thu Yến đang theo học có mức học phí là 13 triệu đồng/năm học, trong khi đối với tân sinh viên ngành này, mức phí mới lên đến 30 triệu đồng/năm học.
Là một học sinh có niềm đam mê với ngành Y nhưng vì gia đình khó khăn nên bạn Thanh Nhàn, học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn đắn đo trong việc dự thi vào Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Nhàn còn e ngại khi chi phí tiền học và sinh hoạt trong 4 năm học Đại học vượt quá khả năng chi trả của bố mẹ em. Vì mức học phí tăng cao, em chia sẻ rằng có thể sẽ chuyển hướng sang học nghề để phù hợp với điều kiện gia đình.
Giải thích về mức phí tăng cao như Đề án công bố, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trường bắt đầu thực hiện lộ trình tự chủ đại học từ năm 2020. Trường không ngẫu nhiên đưa ra mức học phí mới mà đã có sự chuẩn bị từ lâu, tính toán kỹ, dựa trên nhiều cơ sở và các cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường đều biết việc này.
Ông Khôi cũng nhận định, hiện sinh viên đóng phí ở mức 13 triệu đồng/năm học nhưng con số đó không đủ để đào tạo một nhân viên y khoa. Phần còn lại của chi phí đào tạo là từ ngân sách Nhà nước thông qua Bộ Y tế cấp bù lại. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho Trường, do đó Trường phải tính đúng, tính đủ để phù hợp với chi phí đào tạo. Bên cạnh đó, đây là chiến lược phát triển mà nhà trường tính toán nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ở hiện tại và tương lai, với mong muốn chất lượng đầu ra phải an toàn cho người bệnh nên không thể thu học phí thấp.
Một số trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo mức học phí mới áp dụng cho năm học 2020 - 2021. Cụ thể, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, mức học phí năm học 2020-2021 với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến là 40 triệu đồng/năm học. Trong khi năm học 2019, mức học phí của chương trình đại trà là 18 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến là 35 triệu đồng/năm học. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm tiếp theo đối với chương trình đại trà là 2 triệu đồng/năm học.
Thông tin thêm về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin cho biết, mức học phí trên chỉ là dự kiến trong trường hợp đề án thí điểm tự chủ của Trường được phê duyệt. So với mức học phí hiện tại, chương trình đại trà dự kiến tăng thêm 9,4 triệu đồng, đối với chương trình chất lượng cao tăng 5 triệu đồng. Mức tăng thêm là không nhiều so với mức thu hiện nay và còn thấp hơn chi phí đào tạo tại trường.
Tương tự, Khoa Y thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vốn là khoa có học phí cao so với mặt bằng chung nhưng năm học 2020 – 2021, học phí đào tạo của khoa này tiếp tục tăng so với khoá tuyển sinh năm 2019. Cụ thể, ngành răng hàm mặt tăng 8 triệu đồng lên 88 triệu đồng/năm học, y khoa tăng 4 triệu đồng lên 60 triệu đồng và dược học tăng 5 triệu đồng lên 55 triệu đồng/năm học.
Tăng học phí cần có lộ trình
Trước những băn khoăn về mức học phí của nhiều trường, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Nghị định 86/2015 đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường Đại học thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên thì học phí cũng sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi nhưng cần có có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau.
Theo lãnh đạo các trường Đại học, sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Học phí mà sinh viên đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác.
Hiện các cơ sở giáo dục xây dựng học phí theo Thông tư 14 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Trong khi đó, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.
Phản hồi băn khoăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về mặt nguyên tắc, với trường học tự chủ tài chính, khi xây dựng học phí thì phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật. Trường học phải chứng minh chi phí của mình bỏ ra, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí bỏ ra.
Nêu quan điểm về việc học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ không kham nổi học phí khi học tại trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định, không bao giờ để một em sinh viên nghèo học giỏi vì mức học phí cao mà không thể học tại Trường. Trong năm học 2020-2021, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dành 800 suất học bổng với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng và sẽ có gần 37% sinh viên trúng tuyển vào Trường năm 2020 được nhận học bổng. Nhằm đảm bảo tính công bằng cho người học, đặc biệt với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Trường còn xây dựng chính sách học bổng, trong tổng số 2.100 chỉ tiêu Đại học năm nay. Ngoài ra, với sinh viên từ năm thứ hai đến năm cuối, Trường sẽ trích 10% khoản thu học phí năm học và vận động các nguồn lực xã hội, các nhà hảo tâm tài trợ cho Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên của trường; Quỹ này sẽ gồm học bổng khuyến học và học bổng vượt khó. Học bổng khuyến học gồm 3 loại giá trị tương đương 50-75-100% học phí năm học; học bổng vượt khó gồm 4 loại, cũng có giá trị tương đương theo phần trăm học phí năm học như trên.
Tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường Đại học áp dụng cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện tiên quyết để quyết định chất lượng đào tạo. Vì thế, song song với tăng học phí, các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.