Siết chặt khâu coi và chấm thi để phòng chống gian lận công nghệ cao

Chiều 8/7, những vấn đề đặt ra trong quy định mới về việc để đồ của thí sinh trong khu vực thi, nguy cơ gian lận thi cử và chấm thi được Bộ GD&ĐT giải đáp trong cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.  

Clip Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc họp báo: 

Có nơi thí sinh được phép mang điện thoại vào phòng thi?  

Trong 50 thí sinh vi phạm quy chế thi thì có tới 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Trong khi đó quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là để các vật dụng của thí sinh cách phòng thi là 25m là nhằm giảm thiểu việc này. Câu hỏi đặt ra là liệu có những điểm thi, địa phương không thực hiện nghiêm quy định này?

Tại họp báo, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin: “Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi ít nhất 25m”.  

Tuy nhiên, theo phản ánh của phóng viên, tại điểm thi ở Phúc Thọ (Hà Nội) không có điểm giữ đồ cho thí sinh. Các em ở điểm thi này vẫn mang điện thoại vào phòng thi. Khi phóng viên hỏi điểm trưởng điểm thi này thì được biết điểm thi không có nhân sự cho công việc này.  

Bất ngờ trước thông tin này, ông Lê Mỹ Phong cho biết: “Các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đến địa phương và thấy rằng, dù có khó khăn khi triển khai nhưng địa phương vẫn quyết tâm thực hiện. Bởi công việc này đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Chúng tôi sẽ liên hệ với hội đồng thi này để có thông tin cụ thể".  

Ông Lê Mỹ Phong cũng nhấn mạnh, trong quá trình làm việc với Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội đã được báo cáo các điểm thi đã thực hiện theo quy định và chuẩn bị đầy đủ nhân lực cho khu vực trông đồ cho thí sinh.

“Nếu không có chỗ trông đồ cho thí sinh mà để các em mang điện thoại vào phòng thi là lý do không chấp nhận được", ông Lê Mỹ Phong nói.  

Xung quanh thông tin về việc trang mạng xã hội liên tục 3 năm liền “đoán trúng đề môn thi Ngữ văn” và có “nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn", ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Vẫn có xác suất đoán đúng tác phẩm nhưng quan trọng là câu hỏi cụ thể đặt ra với tác phẩm ấy. Việc này sẽ khác với các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau này. Bởi với quy định một chương trình, nhiều bộ sách, học sinh học cùng một nội dung kiến thức trong chương trình, nhưng học sách giáo khoa khác nhau với ngữ liệu và tác phẩm khác nhau. Cụ thể, cũng cùng tác phẩm ấy nhưng điều điều quan trọng câu hỏi là vận dụng để phát huy năng lực văn học, ngữ văn của thí sinh. Trong thực hiện chương trình mới thì phải theo ma trận đề thi và đánh giá nội dung tính nghệ thuật của đề. Đề thi mang tính vận dụng và vận dụng cao để giúp các em  có cơ hội thể hiện năng lực của mình đối với môn Ngữ văn”.  

Ông Lê Mỹ Phong cho biết: “Từ năm 2025 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo cách mới. Để chuẩn bị cho việc đổi mới này, trong hai năm 2023, 2024 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án thực hiện trình và xin ý kiến Chính phủ để đảm bảo mục tiêu đổi mới đặt ra. 

Tăng sự minh bạch trong vòng chấm thi và bài thi diện F0  

Ông Lê Mỹ Phong cho biết: “Bộ GD&ĐT thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ”.

Theo kế hoạch chấm thi, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định các bước rất quan trọng. Việc chấm thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm ngoái nhưng có một số điểm mới và đã hướng dẫn các địa phương. Cụ thể, các hội đồng chấm thi vẫn tiếp tục thực hiện việc chấm thi tự luận, trắc nghiệm theo quy chế dưới sự hỗ trợ các phần mềm do Bộ GD&ĐT cung cấp. Tuy nhiên, điểm mới là ở phần chấm thi tự luận, địa phương sẽ quyết định 1 hay 2 vòng. Năm trước chỉ có quy định là để loa ngoài khi chấm thi nhưng năm nay thì có thêm phần ghi âm và ghi chép cụ thể”.  

Chú thích ảnh
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: Lê Phú. 

Điểm mới thứ hai trong khâu chấm thi được ông Lê Mỹ Phong nêu là kỳ thi tốt nghiệp THPT có các bài thi của 18 thí sinh diện F0. Do đó, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn riêng khi rút bài chấm thi của những F0 này vào việc chấm chung.  

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, s​​ố thí sinh thuộc diện F0 là 79 thí sinh của 20 hội đồng thi. Trong đó, số thí sinh đến dự thi là 18 thí sinh; số thí sinh không đến dự thi là 61 thí sinh.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Kết luận cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng đối với xã hội đặc biệt là với ngành giáo dục. Chính phủ có văn bản chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thi. Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã khá vất vả trong khâu đề thi. Năm nay, kỳ thi còn một đợt thi đã thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc này, ngành giáo dục chờ vào kết quả chấm thi, đánh giá chất lượng kỳ thi". 

"Một trong những mục tiêu trong chỉ đạo của Chính phủ là sự phối hợp nhịp nhàng các ngành, các cấp. Qua việc tổ chức coi thi, mục đích kỳ thi đặt ra đã đạt được, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng, khách quan và có chất lượng. Những việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh được Bộ GD&ĐT rất quan tâm như: Công nghệ cao, phòng chống COVID-19, hỗ trợ học sinh khó khăn. Bộ đã chỉ đạo các điểm thi rà soát lại nhu cầu của các em cần hỗ trợ. Từ đó, có sự tham gia của Đoàn thanh niên, đưa đón như chương trình “taxi 0 đồng đến trường thi”. Một số tỉnh hỗ trợ hơn 4.000 suất ăn trưa cho các em. Điều đó thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội. Đến nay, mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu đề ra”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Ngành giáo dục đã “Chọn đúng người, giao đúng việc”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định đến nay không có giám thị nào vi phạm quy chế thi. “Chúng tôi quán triệt cố gắng giảm tới mức tối đa vi phạm bằng cách tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Vi phạm với học sinh vẫn còn, có nguyên nhân là hiện nay học sinh học trực tuyến rất nhiều nên nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ cao. Thậm chí, có những phần mềm gia sư hỗ trợ. Vì thế vấn đề công nghệ cao tiếp tục được quan tâm trong khâu chấm thi sắp tới. Trách nhiệm của từng thành viên đặt chất lượng lên hàng đầu", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Lê Vân - Lê Phú/Báo Tin tức
Đề chính thức môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Đề chính thức môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Chiều 8/7, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã hoàn thành môn tiếng Anh, kết thúc kỳ thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN