Thưa ông, sách giáo khoa theo Chương trình mới có sự khác biệt nổi bật như thế nào với Chương trình cũ?
Tôi lấy ví dụ, một giờ Toán, nếu giáo viên dạy theo Chương trình cũ thì như sau: Khi cô giáo vào lớp, sau phần chào hỏi, gọi kiểm tra bài cũ rất gắt gao, là những phần bài tập lý thuyết hàn lâm. Bất cứ đứa trẻ nào cũng nghĩ môn Toán là môn học khó và tiết học khô khan.
Tuy nhiên, với sách giáo khoa Toán theo Chương trình mới, mà cụ thể là với bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, được thực dạy như sau: Vào đầu tiết học, giáo viên đưa tình huống thực tế, có thể bằng video, truyện tranh, hay một câu chuyện, để khơi gợi khả năng tò mò của học sinh. Các em sẽ băn khoăn là vì sao cô giáo lại kể câu chuyện này và khuyến khích khả năng chinh phục, trí tò mò của các em. Đây là bước khởi động để học sinh có thể tiếp cận kiến thức một cách thoải mái nhất.
Vì vậy, thay vì truyền đạt kiến thức một cách thụ độn, thì đến nay, kiến thức được truyền đạt thông qua các hoạt động như nhóm đôi, nhóm bốn… để có được kiến thức cần đạt. Năng lực của học sinh có được thông qua thuyết trình, tìm tòi và khám phá. Bài tập được đưa ra dưới dạng thực tế như: Thiết kế việc bán hàng, tính toán với khuyến mãi ra sao…
Cách dạy đã khác và kiểm tra đánh giá cũng phải theo hướng tiếp cận năng lực để đánh giá học sinh một cách toàn diện. Chúng tôi mong muốn là học sinh cấp THCS vừa có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất với môn học này.
Vừa làm công tác quản lý, giảng dạy và là tác giả viết sách, nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện sách giáo khoa, đội ngũ tác giả đã vượt qua những thách thức như thế nào, thưa ông?
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có chi tiết mục tiêu của chương trình. Đây là kim chỉ nam trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, có những yêu cầu cụ thể về phẩm chất của người học, năng lực tổng thể của từng cấp học, chi tiết từng lớp học và yêu cầu cần đạt của từng môn học được làm rõ.
Thời điểm đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chương trình là “văn bản trọng tài”, các nhóm tác giả, Nhà xuất bản phải cụ thể hóa yêu cầu đó thành sách giáo khoa. Thay vì làm một bộ sách quen thuộc, thì tất cả các nhóm tác giả phải làm nhiệm vụ là cụ thể hóa yêu cầu cần đạt thành 1 bộ sách giáo khoa.
Với sách giáo khoa môn Toán, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, chúng tôi đã phải trải qua khá nhiều khó khăn trong cả hai giai đoạn: Biên soạn và triển khai cho các giáo viên, cơ sở giáo dục một cách hiệu quả.
Với biên soạn, mọi thứ đều là lần đầu tiên. Nếu sách giáo khoa trước đây thì lời thầy cô giáo giảng là chân lý, học sinh thụ động nghe. Nhưng với sự phát triển của giáo dục, đã chuyển từ việc học trò tiếp cận kiến thức sang việc học sinh hình thành năng lực thông qua kiến tiếp cận kiến thức.
Đã có nhiều hội thảo nghiên cứu những bộ sách của các nước tiên tiến trong khu vực, trên thế giới, cùng với những ưu điểm của bộ sách giáo khoa trước đó, để tìm điểm phù hợp với chương trình và con người Việt Nam.
Giai đoạn tiếp theo là cụ thể hóa từng lớp, chia ra các chương ra sao, số tiết thế nào; nội dung kiến thức, năng lực phẩm chất gì? Điều này tốn nhiều thời gian, có khi diễn ra vài tháng, nhưng chưa thể thống nhất được. Trên tinh thần thẳng thắn về mặt khoa học, cuối cùng chúng tôi cũng có bản thảo đầu tiên. Bản thảo lớp 6 hoàn tất, là đến lúc lấy ý kiến các thầy cô, nhà trường và triển khai việc dạy thử nghiệm. Đã có nhiều giáo viên tham gia vào sửa bản thảo cho phù hợp. Rồi lại tiếp tục qua nhiều vòng thẩm định, từ nội bộ nhà xuất bản, các vòng thẩm định quốc gia... cuốn sách mới tới với các thầy cô.
Nhiều thầy cô tiếp cận cuốn sách đầu tiên, còn chưa thành thạo triển khai thế nào, buộc phải có giai đoạn giới thiệu sách. Sau đó, các cơ sở giáo dục đọc bản thảo, các nhà trường lựa chọn thông qua bỏ phiếu tổ chuyên môn; các thầy cô giáo báo cáo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện để tập hợp gửi Sở Giáo dục và Đào tạo. Cuối cùng, quyền lựa chọn thuộc về UBND các tỉnh. Đến nay, theo thông tư mới, các công đoạn trên đã được giảm xuống khi các nhà trường được chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
Mỗi mùa hè, chúng tôi đi tập huấn triển khai sách giáo khoa. Đó là những năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa mới thì dịch COVID-19 xuất hiện. Chúng tôi tập huấn online với hàng nghìn điểm cầu. Hoặc có những nơi miền núi xa xôi phía Bắc muốn được tập huấn trực tiếp, đội ngũ nhóm tác giả lên đường ngay. Thời gian tính cả đi và về rất ít và phải đảm bảo khâu phòng dịch.
Tới mùa hè năm 2024, cấp THCS đã hoàn tất 4 năm làm sách giáo khoa và vượt qua yêu cầu khắt khe để chuyển tới giới thiệu với các giáo viên.
Thưa ông, trong những năm qua, áp lực lớn nhất với đội ngũ làm sách là gì?
Rất nhiều áp lực với nhóm tác giả, nhưng lớn nhất vẫn là yêu cầu trách nhiệm xã hội và phản biện xã hội. Có những giai đoạn, bản thảo đầu tiên ra đời đã nhận những phản biện lớn từ phía xã hội. Điều đó là không tránh khỏi, bởi có những nơi, giáo viên chưa thể thích ứng được, thậm chí có ý kiến cực đoan.
Tuy nhiên, bằng tinh thần không quản ngại khó khăn và với một ekip làm việc chuyên nghiệp của các biên tập viên, họa sĩ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã không quản ngày đêm, giúp chúng tôi hoàn thành những yêu cầu mới đặt ra với chương trình.
Sau 4 năm làm sách giáo khoa bậc THCS, các thầy cô đã góp phần lớn thực hiện thành công vòng đầu tiên của sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trân trọng cảm ơn ông!