Đó là khẳng định của chính những chuyên gia giáo dục, các giáo viên, học sinh, phụ huynh. Bởi lẽ, năm học mới đã bắt đầu, cũng có nghĩa là giáo viên và học sinh chỉ còn tối đa là 9 tháng để vừa đảm bảo việc dạy và học bình thường, vừa chuẩn bị cho một kỳ thi hoàn toàn mới mẻ với.“Thời gian không còn nhiều, nên Bộ Giáo dục- Đào tạo càng cần phải có một lộ trình chuẩn xác, với các phương án phù hợp, nhằm giúp kỳ thi đầu tiên này đạt kết quả như mong muốn, mà không quá gây áp lực, hoang mang cho học sinh”, một chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh trong kỳ thi Đại học Cao Đẳng năm 2014. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Cần tìm sự đồng thuậnViệc gộp hai kỳ thi làm một cơ bản được xã hội ủng hộ, vì nó đảm bảo sự tiết kiệm, lại giảm áp lực cho học sinh: Giảm từ thi 6 môn thi còn 4 môn thi, giảm các cụm thi, hạn chế việc đi lại cho học sinh... Điều băn khoăn không ít lo lắng duy nhất còn lại là sự triển khai của ngành giáo dục ra sao?
Với anh Nguyễn Hùng Nam (Ninh Bình), có con năm nay học lớp 12, thì điều anh trăn trở là việc chưa rõ lắm với quy định tổ chức cụm thi do các trường đại học phụ trách.
Anh Nam chia sẻ: “Mọi năm, kỳ thi tốt nghiệp là do các địa phương tự tổ chức. Nhưng năm nay, với việc triển khai thực hiện một kỳ thi quốc gia, việc tổ chức thi lại do các trường đại học chủ trì. Điều này liệu có gây khó khăn cho học sinh cũng như quá tải cho các trường đại học ở địa phương không. Tôi vẫn chưa hình dung ra ngành giáo dục sẽ xử lý điều này ra sao? Theo tôi, việc tổ chức tốt rất quan trọng, nó quyết định thành công của một kỳ thi chung, vì vậy, cần tính toán cho kỹ càng và đưa ra phương án phù hợp nhất”.
Các thí sinh tham dự kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm 2014 (đợt 3). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Bên cạnh nỗi lo về việc tổ chức thi theo cụm, không ít phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng về số môn thi. Anh Nguyễn Hoàng Long (khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chủ trương của Bộ GD – ĐT là giảm áp lực cho thí sinh, nhưng với các môn thi theo quy định như năm nay, thì lứa học sinh lớp 12 của niên khóa 2014-2015 chắc chắn sẽ bị thiệt thòi.
Học sinh Phạm Hải Anh, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Nên công bố sớm hơn để học sinh chuẩn bị Những học sinh thi khối D và A1 có rất nhiều “lợi thế” trong kỳ thi. Còn những học sinh khác như khối A, B như chúng em, thì ngoài ba môn đã “luyện” từ những năm trước là toán, lý, hóa, giờ sẽ phải học thêm 2 môn ngoại ngữ và ngữ văn. Những bạn học khối C phải học thêm toán, ngoại ngữ; tổng cộng lên đến 5 môn. Như vậy rất khó khăn để đáp ứng bài thi của một kỳ thi hai mục đích là vừa đỗ tốt nghiệp, vừa đỗ đại học. Em thực sự hoang mang và cho rằng, Bộ nên công bố về kỳ thi này sớm trước 2 năm để học sinh có thời gian chuẩn bị. Giờ chỉ còn 9 tháng nước rút ôn luyện là quá ngắn. |
Như trường hợp con gái tôi, cháu có định hướng học khối B từ năm lớp 10, nên những năm qua chỉ tập trung học các môn toán - hóa - sinh, giờ phải thi cả ngữ văn và ngoại ngữ, chưa kể các môn tự chọn cháu muốn thi thêm để lấy điểm vào ĐH. Thời gian thì không còn nhiều, chỉ còn cách học tăng tốc, thật sự là quá tải, chứ không phải giảm nhẹ”.
Và xem ra, không chỉ các phụ huynh, học sinh lo lắng, mà bản thân các trường ĐH- đơn vị được giao phụ trách tổ chức cụm thi cũng rất trăn trở với “trọng trách” mới này của mình. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: Bộ GD – ĐT cho biết sẽ giao một số trường đại học trọng điểm làm chủ tịch Hội đồng thi.
Và với những địa phương không có khả năng đảm nhiệm kỳ thi, Bộ sẽ cử cán bộ của các trường ĐH về giám sát. Cách làm này không khác gì những năm 1970 của thế kỷ trước: Đó là các trường đại học phải về địa phương để coi thi. Việc làm này sẽ tạo ra một khoản chi không nhỏ, như vậy đâu phải là tiết kiệm.
Vì vậy Bộ cần phải có những tính toán kỹ, thể hiện bằng chủ trương tới các đại học, địa phương và nhất là được sự đồng thuận của chính “người trong cuộc” là giáo viên, học sinh. Có như vậy, kỳ thi quốc gia mới có hiệu quả được”.
Còn theo ông Lê Xuân Thành, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, nhiều trường ĐH vẫn chưa thực sự “an tâm” với phương án tuyển sinh bằng một kỳ thi. “Độ tin cậy của kỳ thi quốc gia chưa thể kiểm chứng được, nên không ít trường đại học đã chuẩn bị phương án có một kỳ thi thêm, nếu cần thiết thì sẽ phải tổ chức thi. Vẫn biết thế là sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh và thêm sự tốn kém, nhưng chúng tôi cũng cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào của mình, đó chính là uy tín của trường”.
Hạn chế tối đa tiêu cựcTheo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga, mọi người không nên quá lo lắng, bởi những điểm mới của kỳ thi quốc gia thực tế là không mới, mà có tính kế thừa và phát huy từ ưu điểm của những kỳ thi trước.
Về vấn đề cụm thi, theo ông Bùi Văn Ga, cụm thi được thiết kế trên cơ sở dữ liệu thí sinh của các tỉnh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ở những kỳ thi trước. Các cụm thi sẽ đảm bảo số lượng thí sinh không vượt quá khả năng bố trí phòng thi.
Học sinh Hoàng Giang, THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội: Chắc chắn sẽ áp lực hơn Đại diện Bộ GD – ĐT có trả lời trên báo chí rằng kỳ thi chung sẽ giảm áp lực hơn cho học sinh, nhưng xem ra không phải như vậy. Năm nay em thi vào ĐH Y Hà Nội, ai cũng biết điểm đầu vào trường Y rất cao và theo như thông tin từ trường thì trường sẽ tổ chức một kỳ thi thêm để tuyển sinh. Nếu như vậy , thì việc học và thi của chúng em đâu có nhẹ đi, nếu không muốn nói là “nặng” thêm. |
“Việc tổ chức thi theo cụm không phải là lần đầu, mà chúng ta đã triển khai nhiều năm nay. Tại Vinh, Cần Thơ, đã có thể tổ chức thi cho 80.000-100.000 thí sinh thi ở khu vực này. Các cụm thi mới của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thành lập trên cơ sở những tính toán hướng tới những gì thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình, cũng như toàn xã hội. Số lượng cụm thi được mở rộng hơn so với số cụm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014”, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Cũng theo một đại diện của Bộ Giáo dục- Đào tạo, với kỳ thi quốc gia này, thí sinh được quyền lựa chọn cụm thi, nên sẽ thuận lợi cho thí sinh, nhất là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. “ Thí sinh có thể phải thi ở tỉnh khác, nhưng so với trước kia đã được giảm nhẹ chỉ còn 1 kỳ thi, nên không thể nói phương án thi mới gây khó khăn cho học sinh”, đại diện này nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn về số lượng môn thi ảnh hưởng đến việc ôn tập của thí sinh, đại diện này lý giải: Hàng chục năm nay, các thí sinh đều tham dự 2 kỳ thi liền nhau, vì vậy ít nhất phải học và thi tới 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi ĐH hoặc CĐ), chưa kể có không ít thí sinh trải qua 3 đợt thi đại học, cao đẳng với 10 lượt môn thi.
Trong khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia này, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy, không thể coi là tăng áp lực được.
Lý giải của Bộ GD - ĐT là vậy, nhưng rõ ràng xã hội vẫn rất áp lực, băn khoăn trong. Bởi vậy, dù đã quyết, nhưng trong hành trình xây dựng phương án thi và phương án ra đề thi hiện nay, Bộ GD – ĐT cũng có những lắng nghe, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng cho thí sinh và tính trung thực của kỳ thi. Việc thi theo cụm kết hợp sự giám sát của các trường đại học cũng cần có những tính toán kỹ để tránh tiêu cực phát sinh.
Về việc các trường tổ chức thi riêng, thi thêm kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bên cạnh việc quy định, hướng dẫn cụ thể những tiểu mục để tổ chức kỳ thi quốc gia đảm bảo độ tin cậy thì Bộ sẽ xem xét những hồ sơ về tuyển sinh riêng của các trường đại học. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong Quy chế thi năm 2015 sắp ban hành tới đây.
|