Bếp ăn nóng tại trường
Trường Mầm non Phùng Nguyên 1, huyện Lâm Thao có 280 trẻ, 100% trẻ đều học bán trú. Vì vậy công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được Ban Giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường rất quan tâm. Cô Nguyễn Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn bộ thực phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hợp đồng mua bán cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín. Khu vực bếp ăn của nhà trường được xây dựng theo quy trình 1 chiều để tránh chồng chéo trong các khâu, tiết kiệm tối đa thời gian, đồng thời tránh sự tiếp xúc giữa các thực phẩm sống, chín. Nhà bếp được trang bị đầy đủ tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt. Việc lưu mẫu thức ăn hằng ngày cũng được nhà trường thực hiện đúng quy định. Ngoài ra nhà trường còn tận dụng diện tích đất thừa để trồng rau, quả an toàn…
Cô Đặng Kim Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Kiên 1 chia sẻ, các món ăn được thay đổi liên tục nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh. Toàn bộ nguyên liệu thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng nhập của các công ty, cửa hàng có uy tín, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi chế biến, nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng để loại bỏ những nguyên liệu không đảm bảo. Theo cô Hường, nhà trường có gần 800 học sinh, trong đó có hơn 400 em ăn bán trú. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng bữa ăn luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Nhà trường đã đầu tư xây dựng hệ thống bếp chế biến rộng rãi, nhà ăn thoáng sạch, nhà nghỉ trưa dành cho học sinh, có chăn ấm vào mùa đông, điều hòa cho mùa hè, giúp các em phát triển tốt nhất về sức khỏe và thể chất.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm thao, ngay từ đầu năm Phòng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã thường xuyên kiểm tra về công tác này tại các trường học. Đầu năm học mới, tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường đều được tham gia tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn được thực hiện khá tốt, không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm. Toàn huyện có 24 trường công lập, trong đó 18 trường Mầm non, 6 trường Tiểu học tổ chức ăn bán trú với tổng số hơn 8.400 trẻ tham gia. Riêng bậc Mầm non đảm bảo 100% trường công lập đều có bếp ăn tại nhà trường. Đối với bậc Tiểu học, để kiểm soát chất lượng dinh dưỡng bữa ăn tốt hơn, nhiều trường cũng triển khai ăn trưa.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho thấy, toàn tỉnh có 403 bếp ăn, trong đó bậc Mầm non có 308 bếp, đảm bảo 100% trường có bếp ăn bán trú. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngay đầu các năm học, Sở đã có văn bản gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm và sử dụng thực phẩm tại đơn vị, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan y tế, cơ quan quản lý trên địa bàn; xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ và các em học sinh ở các độ tuổi đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm; chú trọng chế biến, phối hợp món ăn hợp lý theo điều kiện địa phương.
Sở cũng chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú, có bếp ăn tập thể bố trí đầy đủ cơ sở vật chất các khu vực bếp nấu, khu chế biến thức ăn, khu để thức ăn chín…; thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng; tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm hàng ngày; thường xuyên vệ sinh nhà ăn, các dụng cụ sinh hoạt đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Sở Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế liên tục tổ chức các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó năm 2021, Sở phối hợp tiến hành kiểm tra 44 trường, trong đó 38 trường Mầm non, 4 trường Tiểu học, 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 1 trường Cao đẳng nghề. Cuối năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại 57 trường.
Qua các đợt kiểm tra, cơ bản các trường đều có đủ hồ sơ, tài liệu, giấy tờ liên quan về an toàn thực phẩm theo quy định, bao gồm hợp đồng lao động giữa nhà trường với nhân viên, hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. Nhân viên có xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và đủ giấy khám sức khỏe còn hiệu lực. Việc hợp đồng cung cấp thực phẩm vào bếp ăn tập thể của nhà trường, hóa đơn chứng từ, sổ giao nhận thực phẩm hàng ngày, sổ kiểm thực ba bước, sổ lưu mẫu thức ăn, sổ giao nhận suất ăn hàng ngày của cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đều được nhà trường thực hiện nghiêm túc.
Hầu hết các trường sử dụng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nguồn nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp yêu cầu và quy định về an toàn thực phẩm hiện hành. Các bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm chế biến bao gói sẵn có đầy đủ nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng. Các mẫu kiểm nghiệm nhanh thực phẩm đều trong ngưỡng cho phép, bảo đảm theo quy định. Không phát hiện việc sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng hoặc hết hạn sử dụng trong bếp ăn tập thể trường học.
Tuy nhiên vẫn còn một số trường lập và ghi chép hồ sơ, tài liệu, giấy tờ liên quan về an toàn thực phẩm còn sai sót, nhiều hợp đồng cung cấp thực phẩm không có đủ căn cứ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm của cơ sở cung cấp. Cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không có hợp đồng mua/nhập thực phẩm lưu trong hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn cho nhà trường. Nhiều bếp thực hiện ghi chép Sổ kiểm thực ba bước chưa đầy đủ, chưa đúng quy định…