NSƯT Thúy Ngần: Sẽ truyền dạy chèo đến khi không còn sức lực

Với NSƯT Thúy Ngần, thành công và vinh dự của người thầy truyền dạy nghệ thuật truyền thống là nhìn thấy mỗi thế hệ học trò của mình ngày càng trưởng thành, có được sự yêu mến của khán giả.

NSƯT Thúy Ngần.

Vai diễn nào cũng phải tâm đắc


Gặp NSƯT Thúy Ngần tại Nhà hát Thử nghiệm, trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, tôi ấn tượng ngay bởi sự niềm nở, dễ mến và cách xưng hô “cô- em” gần gũi như với những học trò của mình.


Nhắc đến cái tên Thúy Ngần hẳn nhiều sẽ nghĩ ngay đến một người nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo với những vai chín đã trở thành “thương hiệu” như: Súy Vân trong vở “Kim Nham”; Tấm trong “Tấm Cám”, Lụa trong “Từ Thức”, cô Bến trong “Vua Chổm”…  Bà còn là giảng viên truyền dạy bộ môn nghệ thuật chèo, là thầy của rất nhiều học trò là những nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng đã từng đạt nhiều giải thưởng như: Nghệ sĩ Thanh Hoa (Nhà hát chèo Thái Bình), nghệ sĩ Thu Hằng (Nhà hát chèo Việt Nam), nghệ sĩ Nguyễn Thị Thắm (Nhà hát chèo Hà Nội)…


Sự nghiệp giảng dạy của NSƯT Thúy Ngần bắt đầu từ năm 2004, khi trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội mời bà về giảng dạy, đào tạo diễn viên chuyên ngành Nghệ thuật Chèo kiêm Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm. Trong gần 13 năm vừa đi dạy, vừa đi diễn, bà đã đem hết tài năng và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình để truyền dạy cho thế hệ diễn viên trẻ. Rất nhiều diễn viên khi được NSƯT Thúy Ngần hướng dẫn đã gặt hái những giải thưởng cao như: Năm 2014 bà hướng dẫn cho 4 diễn viên trẻ tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc thì đã có 2 diễn viên Phạm Thị Hiền (Nhà hát Chèo Ninh Bình) và Trần Thị Hiền (Nhà hát chèo Việt Nam) đạt Huy chương vàng, diễn viên Nguyễn Thị Minh Phượng (Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa) đạt huy chương bạc…


NSƯT Thúy Ngần ngoài đời thực rất giản dị và gần gũi.

Ở NSƯT Thúy Ngần là quá trình lao động thuật hết sức nghiêm túc, miệt mài sáng tạo. Bà luôn làm việc với những nguyên tắc riêng của mình, và chính điều đó đã làm nên thành công như ngày hôm nay. Với bà, không hề có vai diễn nào tâm đắc hơn cả vì vai diễn nào cũng rất tâm đắc; và phải có sự đầu tư nghiên cứu cách thể hiện cho từng vai diễn mới có thể lấy được lòng khán giả.


Những suy nghĩ đó cũng đã được bà truyền dạy với mong muốn các học trò của mình sẽ trở thành những người nghệ sĩ không chỉ giỏi nghề mà còn phải say nghề. Phương pháp giảng dạy của NSƯT Thúy Ngần là đi vào những kiến thức cơ bản của chèo chứ không nhấn vào việc chỉ dạy hát, dạy diễn…


“Trong nghệ thuật chèo, việc dạy hát, dạy diễn thôi chưa đủ; quan trọng nhất là giúp các em hiểu được ý nghĩa của mỗi động tác, mỗi câu hát, chi tiết trong vở chèo. Vì hầu hết các bạn trẻ chưa hiểu nhiều về con người ngày xưa như thế nào, các tích cổ có ý nghĩa gì. Ví dụ như rất nhiều em không hiểu nên bị hát sai chi tiết “sắt cầm tịnh hảo” trong vở Quan âm Thị Kính. Thực ra, chi tiết này có ý muốn nói đến đàn sắt và đàn cầm, là 2 loại nhạc cụ có đôi với nhau, nếu đánh đàn sắt thì không đánh được đàn cầm và ngược lại; vì một loại có âm thanh rất thanh, còn một loại rất trầm; ở đây muốn nói đến sự xa cách của đôi lứa. Hay như việc phải hiểu ý nghĩa của chiếc quạt, từng động tác quạt giúp bộc lộ những tính cách nào của nhân vật trong chèo mới có thể nhập vai và diễn hay được… ”, NSƯT Thúy Ngần chia sẻ.


Hãnh diện khi là giảng viên nghệ thuật


Sinh ra và lớn lên tại xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, một vùng quê nghèo nhưng lại giàu truyền thống văn nghệ, nhất là hát chèo. Từ nhỏ cô bé Thúy Ngần đã được nghe, được xem bố và mọi người tập luyện nên “chất’ chèo đã ngấm vào trong người từ lúc nào không hay. “Ngày ấy, hoạt động văn nghệ của xã tôi rất sôi nổi, cứ xong việc đồng áng là mọi người lại tập diễn, tập hát. Ai cũng háo hức với những đêm diễn văn nghệ, còn tôi luôn phải đến sớm, tranh chỗ ngồi trên để rồi say sưa xem cho tới hết vở mới thôi”, bà vui vẻ kể.


Năm Thúy Ngần 15 tuổi, có đoàn nghệ thuật trung ương về địa phương tuyển diễn viên, cô gái yêu hát chèo đã tham gia dự tuyển và trở thành 1 trong 2 người của tỉnh Ninh Bình được lựa chọn đi học lớp trung cấp nghệ thuật. Ngay khi mới bắt đầu vào học chuyên nghiệp, Thúy Ngần đã vinh dự được các nghệ sĩ hát chèo tên tuổi như:Minh Lý, Dịu Hương,Trần Bảng, Diễm Lộc…chỉ dạy tận tình. Bởi vậy, sau này, khi trưởng thành trong nghề bà luôn muốn mang những kinh nghiệm, tài năng của mình để truyền lại cho thế hệ sau, và cũng luôn tự hào với nghề giảng viên nghệ thuật của mình.


NSƯT Thúy Ngần tâm sự: “Chính công việc giảng dạy đã giúp tôi có nhiều kiến thức hơn về chèo và những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác. Nếu chỉ đi diễn mà không đi dạy thì chắc chắn tôi không có điều kiện để tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu như vậy. Tôi luôn đánh giá cao tinh thần học hỏi và tài năng của các bạn trẻ hiện nay. Các em tiếp thu và học rất nhanh, hiểu biết rộng, vì thế ngoài khả năng vốn có, tôi luôn phải tự tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức cho mình”.


Thành quả của sự nỗ lực không ngừng đó là mỗi khi đến các nhà hát, có dịp gặp lại nhiều học trò của mình, thấy họ ngày càng trưởng thành, được khán giả biết đến, bà vô cùng hãnh diện.


“Chính sự thành công của các học trò đã tiếp thêm cho tôi nhiệt huyết trong công việc giảng dạy và tôi sẽ tiếp tục truyền dạy bộ môn nghệ thuật chèo cho tới khi nào không còn sức khỏe mới thôi”, NSƯT Thúy Ngần chia sẻ.


Tạ Nguyên/báo Tin tức
 ‘Hà Nội đêm thứ 7’ đưa nghệ thuật chèo đến gần khán giả
‘Hà Nội đêm thứ 7’ đưa nghệ thuật chèo đến gần khán giả

Những vở chèo kinh điển, những trích đoạn sân khấu chèo nổi tiếng cùng nhiều tiết mục nghệ thuật như hát văn, diễn xướng hầu đồng... được biểu diễn phục vụ khán giả yêu nghệ thuật truyền thống trong chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN