Nơi biến ước mơ thành hiện thực

Nếu như không có những thầy cô luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu và có những lớp học phổ cập buổi tối thì có lẽ ước mơ được đến trường, được biết chữ của những đứa trẻ nghèo, sẽ khó thành hiện thực và tương lai của chúng không biết sẽ đi về đâu?


Gian nan đến với con chữ


Khi ánh đền Sài Gòn bắt đầu thắp sáng, cũng là lúc tiếng đánh vần "i tờ" của những lớp học ban đêm dành cho những đứa trẻ nghèo không có điều kiện đến trường lại vang lên. Mỗi học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khác nhau, có em mồ côi bố mẹ, bố mẹ vướng vào vòng lao lý, bố mẹ dân nhập cư, không hộ khẩu, không thường trú...Để có thể đến với lớp học này, ban ngày các em phải vất vả mưu sinh phụ giúp gia đình nhưng, hơn ai hết các em đều có chung một ước mơ đó là được đến trường, được biết chữ.


Tuy 8 tuổi nhưng Linh Nhi cô học sinh lớp 1 trường Phổ cập giáo dục tiểu học phường 12 Q. Bình Thạnh lại nhỏ nhắn chỉ giống như đứa trẻ 5 - 6 tuổi, ngồi nắn nót viết từng nét chữ, Linh Nhi rụt nè nói, em đã biết viết tên em rồi. Ban ngày em phải phụ bà ngoại nấu cơm, giặt quần áo, phụ bà chăm cho cậu và em còn đi lượm thêm ve chai bán kiếm thêm tiền, tối e lại được đến lớp. Được đi học em rất thích vì tới lớp được cô giáo dạy viết chữ, được làm toán. 


Còn Hoàng Anh, 23 tuổi đang học lớp 1 cũng chia sẻ, từ ngày đi học mình đã biết đọc, biết viết biết. Trước kia vì không biết chữ không biết đọc tin nhắn nên phải chia tay người yêu, đi đường không giám hỏi đường, giấy tờ tùy thân thì không có hay mỗi lần làm việc gì phải liên quan đến đọc và viết mình rất sợ...Cũng may có lớp học này mà mình có cơ hội được biết chữ.


Để đến được với lớp học buổi tối ban ngày các em phải mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau.


Thay vì được đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác, Kim Anh phải theo bố mẹ từ Nghệ An vào Sài Gòn để mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nhà nghèo ban ngày không tiền đi học, chỗ ở cũng này đây mai đó nên ước mơ được đi học của Kim Anh hầu như khó thành hiện thực nếu như không có lớp học phổ cập vào buổi tối ở trường tiểu học Bình Triệu (Q. Thủ Đức). Kim Anh học sinh lớp 2 trường phổ cập tiểu học Bình Triệu quận Thủ Đức tâm sự: Mỗi lần đi bán vé số qua cổng trường nhìn các bạn được bố mẹ chở tới trường em cũng ước mình được như các bạn. Nhưng nhà em nghèo không có tiền cho em đi học. Rồi ánh mắt kim Anh lại tỏ vẻ vui sướng và nói, sau khi em biết có lớp học này, đi học không phải đóng tiền, học buổi tối còn được các thầy cô tặng sách vở em đã xin mẹ cho đi học. Nhưng trước khi đi học em phải bán hết tập vé số mẹ đưa cho. Tuy ban ngày đi bán mệt rất mệt nhưng cứ nghĩ tới buổi tối được đi học là em lại cố gắng và thấy hết mệt liền".


Mồ côi mẹ, bố vướng vào vòng lao lý, Bùi Uyên Dịu về sống với dì ruột từ năm lên 6 tuổi. Đang học lớp 8 Dịu bị dì ruột bắt nghỉ học ở nhà đi làm thuê kiếm tiền. Dịu nghẹn ngào nói: Sau những năm đi làm thuê, làm mướn không được đi học em nghĩ nếu không đi học thì cuộc sống của mình sẽ không có tương lai, sẽ bị người khác khinh thường và thế là ban ngày đi làm ban tối em xin vào học ở lớp phổ cập vào buổi tối tại quận Bình Thạnh. Ở lớp học này chúng em không phải đóng học phí mà còn được tặng sách vở, đồ dùng học tập. Hơn hết chúng em nhận được sự quan tâm, sự dạy bảo tận tình của thầy cô nơi đây.


"Sau khi tốt nghiệp em sẽ thi vào ngành sư phạm. Em ước mình cũng trở thành cô giáo và dùng tình cảm, tình yêu thương, kiến thức của mình dạy cho các em có hoàn cảnh như em. Nếu như không có những lớp học thế này và không có sự động viên của các thầy cô nơi đây thì chắc ước mơ của em sẽ không bao giờ thành hiện thực"- Bùi Uyên Dịu học sinh lớp 11 trường phổ cập THPT Q. Bình Thạnh chia sẻ.


Không chỉ dạy chữ


Đa số học sinh ở những lớp học này không được gia đình quan tâm, các em phải bươn chải ở ngoài nên có những kiểu hành xử rất "giang hồ" như giải quyết những trận tranh cãi bằng nắm đấm hay chửi tục hoặc rất lì ...Do đó, các thầy cô giáo ở đây không chỉ dạy cho các em con chữ mà còn uốn nắn cả về nhân cách cho các em.


Đã nhiều năm nay, sau khi kết thúc những tiết dạy tại trường tiểu học Việt Hồng (Q.3), cô Ngoc Anh lại tất bật soạn giáo án để tới lớp dạy buổi đêm ở trường tiểu học Bình Triệu (Q. Thủ Đức), cô Ngọc Anh chia sẻ: Do học sinh phải đi làm nên giờ giấc đến lớp của các em cũng không ổn định. Các em từng bươn chải ngoài nên tính tình cũng năng động, nghịch ngợm hơn, có những lúc giáo viên nói khan cả tiếng các em cũng không chịu nghe, hay lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau, trình độ hiểu biết của học sinh cũng khác nhau. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải rất vất vả trong việc giảng dạy. Nhưng bù lại các em lại rất chịu khó và khao khát được đi học, được biết chữ chính điều đó đã giữ chúng tôi lại với lớp học.


Nếu không có những người thầy luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu thì có lẽ ước mơ của các em sẽ khó thành hiện thực

Nhìn lớp học lác đác còn 5 em cô Hoàng Oanh, giáo viên lớp 1 trường phổ cập giáo dục tiểu học phường 12 Q. Bình Thạnh thở dài nói: lớp có 9 học sinh nhưng hiếm khi nào sĩ sỗ đủ. Không phải các em nghỉ học mà các em phải đi làm hay bố mẹ không cho đi học. Dạy ở lớp học này giáo viên không bị áp lực về chương trình nhưng lại khá vất vả vì mỗi em giáo viên lại có một giáo án dạy khác nhau. Cũng giống như hôm nay 4 em nghỉ thì tôi phải dạy lại bài học hôm nay cho các em đó vào hôm sau. Nhiều khi dạy các em nói khan cả tiếng nhưng các em vẫn không tiếp thu, hay dạy hôm trước hôm sau lại quên. Bên cạnh đó, chúng tôi không chỉ dạy cho các em biết những con chữ mà còn dạy cho các em về cách cư xử, về phép tắc và giúp các em nhìn nhận vấn đề đúng sai. Tuy vất vả nhưng mỗi lần thấy các em biết đọc, biết viết, biết làm toán hay lễ phép hơn là chúng tôi lại thấy vui và thấy việc mình làm đang đem lại những quả ngọt.


Dù việc giảng dạy cho các em ở đây gặp nhiều khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng chưa khi nào cô Hoàng Oanh nghĩ mình sẽ bỏ các em. Cô Hoang Oanh cho rằng chỉ có tình yêu thương học trò, bằng cả chữ tâm của người thầy thì mới có thể tiếp tục gắn bó với những lớp học này được. Nói về kỷ niệm trong ngày 20 -11 cô Hoàng Oanh xúc động chia sẻ, các em ở đây thấy các bạn ban ngày tổ chức mua quà cho giáo viên, các em cũng gom góp nhau mua cho cô được bông hoa. Thật sự lúc đó mình rất xúc động vì đa số các em gia đình khó khăn cơm ăn còn có bữa no, bữa đói mà lại dành tiền mua quà cho cô giáo. Lúc đó tôi chỉ biết nói với các em lời cám ơn và nói rằng phần thưởng các con dành cho cô chính là sự cố gắng học tập của các con".


Thầy Huỳnh Thúc Tịnh, hiệu trưởng trường phổ cập phường 12 quận Bình Thạnh chia sẻ :Đa số các em học ở đây phải bươn chải ngoài đời rất sớm nên nhiều em rất khó bảo, ương bướng đôi khi các em tự ti và mặc cảm về bản thân mình. Bởi vậy giáo viên không chỉ dạy cho các em biết chữ mà còn phải chỉ bảo uốn nắn về nhân cách và đạo làm người cho các em.


Thầy Tịnh cho biết, nếu thiếu tình thương, sự quan tâm chia sẻ của các giáo viên ở đây thì có lẽ lớp học sẽ khó tồn tại. Vào thời điểm trường thành lập, cứ trung bình mỗi phường có 1 điểm dạy. Thế nhưng số lượng học sinh, thậm chí cả giáo viên cứ giảm dần nên nhiều điểm trường đóng cửa. Hiện toàn trường có 80 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với 5 giáo viên phụ trách. Có em đến trường đúng tuổi nhưng có những học sinh 20- 30 tuổi, đã đi làm, tham gia lớp học xóa mù chữ. Ngoài việc giảng dạy các thầy cô nơi đây còn vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ thêm cho các em như: quần áo, sách vở, học bổng...


Cô Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Triệu chia sẻ, mỗi lớp học này chỉ có khoảng trên 10 học sinh và lớp học từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30 vào các ngày trong tuần. Các em đến với lớp học chủ yếu là con em của những người lao động nhập cư, chỗ ở không ổn định không có sổ hộ khẩu hoặc bố mẹ đi làm cả ngày, không biết chữ, gia đình khó khăn nên không quan tâm đến việc đi học của con em mình. Chỉ cần có giấy khai sinh, đăng ký tạm trú là các em có thể đi học. Trong quá trình học, các em được đánh giá điểm số, điểm thi đua vào học bạ tương tự lớp ban ngày. Cuối năm học các em cũng trải qua các kỳ thi lên lớp như học sinh bình thường. Điều kiện này vừa tạo cơ hội lẫn động lực cho các em học tiếp lên cao hơn.



Đan Phương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN