Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, đến nay học sinh các cấp trên cả nước đã phải nghỉ học nhiều ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là với các em học sinh lớp 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các em mới chỉ đang làm quen với việc đánh vần từng câu, từng từ của môn Tiếng Việt.
Từ gần hai tháng nay, các thầy, cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Thượng Phùng, thuộc xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), đã phải vất vả đi đến từng nhà để giao phiếu bài tập theo phương thức truyền thống cho các em học sinh của mình. Ngoài việc giao phiếu bài tập, hàng tuần các thầy, cô giáo còn phải trực tiếp đến nhà hướng dẫn các em học và làm bài tập.
Cô Vũ Thị Bích Thuận, Giáo viên chủ nhiệm lớp Một Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Thượng Phùng cho biết, cô đang phụ trách việc học của 13 em học sinh ở điểm trường Mỏ Phàng, cách điểm trường chính khoảng 7km. Các em học sinh của cô chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Hàng tuần, cô Thuận phải đến tận nhà các em để hướng dẫn học và ôn tập. “Có những điểm trường cách điểm trường chính khoảng 70km, nếu đi đường tắt cũng mất 15km đường đất. Hầu hết những điểm trường này đều không có điện và sóng điện thoại nên chúng tôi phải đến tận nhà để kèm cặp các em, khó khăn vất vả nhưng vẫn phải đi vì lo các em quên kiến thức đã học”, cô Thuận chia sẻ.
Do nghỉ dài ngày, khi ở nhà các em chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, trước đó các em mới chỉ đang học phần âm, vần nên hầu hết đã quên hết Tiếng Việt. Khó khăn hơn cho các thầy, cô giáo nơi đây khi nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em mình, đặc biệt một số phụ huynh còn không muốn con mình đi học. Các thầy, cô giáo ngoài việc hàng tuần đến kiểm tra việc học của học sinh, còn phải vận động phụ huynh tiếp tục cho con mình theo học.
Cùng chia sẻ những khó khăn trong việc “nuôi con chữ” cho các em lớp Một ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã biên giới Thượng Phùng, cô Đàm Thị Nguyên cho biết: “Chúng tôi rất lo khi trở lại trường, các em sẽ phải học lại những kiến thức đã học, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Hàng tuần chúng tôi đến với các em, hướng dẫn và kèm các em, chỉ mong sao các em không quên những gì đã học là tốt lắm rồi. Sau này khi hết dịch các em trở lại trường thì chúng tôi sẽ phải cố gắng hơn, tăng thời gian dạy cho kịp chương trình”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Thượng Phùng cho biết, toàn trường có 33 lớp học cấp tiểu học, trong đó có 10 lớp 1 với 153 học sinh. Để khắc phục khó khăn, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp thường xuyên nhắc nhở học sinh tự học tại nhà, những nơi không có sóng điện thoại thì phải đến trực tiếp, giúp các em rèn luyện kỹ năng đọc và làm bài tập đã được giao. “Sau thời gian nghỉ nếu hết dịch trở lại trường, nhà trường sẽ tổ chức vừa dạy kiến thức mới vừa ôn lại kiến thức cũ. Đối với các em học sinh bán trú sẽ kết hợp tổ chức ôn vào buổi tối”, ông Sơn cho biết thêm.
Đến hết tháng 12/2019, tỉ lệ hộ nghèo của xã Thượng Phùng chiếm 50,67%; tỉ lệ hộ dân sử dụng ti vi khoảng 75%; tỉ lệ phủ sóng điện thoại khoảng 95%. Hiện còn một số thôn, bản không có điện, không có sóng điện thoại, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc học và dạy trực tuyến không thực hiện được.
Năm học 2019 – 2020, số học sinh tiểu học của Hà Giang là 99.297 em, trong đó học sinh lớp 1 là 21.901 em. Nhằm khắc phục khó khăn trước việc học sinh lớp 1 vùng cao dễ bị quên kiến thức do nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với chất lượng hiện tại của học sinh đang học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Đình Huynh, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học và Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, Sở đã chỉ đạo việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy các bài tại quyển 3 sách Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục, trong đó tập trung dạy các nội dung đọc, viết vở và viết chính tả. “Chúng tôi sẽ ưu tiên thời lượng dạy học đối với môn Tiếng Việt, nhất là đối với các lớp có nhiều học sinh dân tộc thiểu số; đảm bảo sau khi học xong lớp 1 các em học sinh phải biết nghe, nói, đọc, viết được Tiếng Việt”, ông Huynh khẳng định.