Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến được tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2024 với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn năm 2023 hai đợt.
Đợt thi sớm nhất vào ngày 23 - 24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1 - 2/6/2024. Tất cả đều diễn ra vào thứ 7 và Chủ nhật và lịch thi này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau.
Kì thi đánh giá năng lực năm 2024 diễn ra tại 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2/2024 và được đăng ký tối đa hai lượt mỗi năm, thời gian giữa hai đợt tối thiểu 28 ngày. Lệ phí thi là 500.000 đồng một lượt.
Về bài thi đánh giá năng lực, cấu trúc đề thi vẫn gồm ba phần: Tư duy định lượng (Toán học), Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ) và Khoa học (Tự nhiên - Xã hội). Mỗi phần thi có 50 câu hỏi. Tổng thời gian thi 195 phút. Thí sinh làm bài thi trên máy tính, biết điểm ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài.
Từ năm 2025, cấu trúc bài thi được điều chỉnh một phần để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại học Quốc gia Hà Nội đang bổ sung, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phù hợp với lộ trình của chương trình này.
Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực. Số lượt thí sinh đăng ký dự thi là hơn 90.000, trong đó có hơn 29.100 thí sinh đăng ký thi hai lần. Số dự thi chính thức là hơn 87.000, trong đó 37% đến từ Hà Nội, kế đến là Nam Định với 7%.
Một số thí sinh tham dự không nghiêm túc, cố tình gian lận, vi phạm quy chế nhưng chế tài chưa đủ mạnh để xử lý. Ngoài ra, việc có thí sinh, giáo viên tham gia để lấy đề về luyện thi cũng ảnh hưởng đến uy tín kỳ thi.
Vì thế Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ bổ sung chế tài xử lý với thí sinh cố tình vi phạm như cấm thi, hủy kết quả, thông báo cho các đơn vị liên quan để có hình thức kỷ luật (hạ hạnh kiểm, cấm thi, dừng tuyển sinh 1 - 2 năm).
Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức dự kiến diễn ra trong 6 đợt:
Đợt 1 là ngày 2 - 3/12/2023; Đợt 2 vào ngày 20 - 21/1/2024; Đợt 3 vào ngày 9 - 10/3/2024; Đợt 4 vào ngày 27 - 28/4/2024; Đợt 5 vào ngày 8 - 9/6/2024; Đợt 6 vào ngày 15 - 16/6/2024.
Địa điểm thi tại Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Nội dung và hình thức thi giữ nguyên như năm 2023, bài thi đánh giá tư duy năm 2023 gồm ba phần: Tư duy toán học (60 phút); Tư duy đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học, giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).
Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng - sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Khác với các kỳ thi khác, kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực được đánh giá có nhiều điểm thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh. Bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá nwang lực được mở rộng, bao gồm Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, Y dược.
Được biết, năm 2023, cả nước có hơn chục kỳ thi riêng để xét tuyển đại học với sự tham gia của nhiều trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.