Nhiều bất cập trong sáp nhập trường công lập tại Tây Ninh

Việc sáp nhập các trường công lập tại Tây Ninh giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Chú thích ảnh
Giờ học Toán tại Lớp 8A1, Trường THCS Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, từ năm 2018 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, đã sắp xếp, tổ chức lại 10/34 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, giảm 5 đơn vị. Việc sáp nhập các trường công lập có quy mô học sinh nhỏ vào các trường có quy mô lớn giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Phan Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện Sở đã sáp nhập 5 trường Trung học Phổ thông có quy mô học sinh nhỏ vào 5 trường có quy mô học sinh lớn đã thực hiện gồm: Trường Trung học Phổ thông Trần Quốc Đại vào Trường Trung học Phổ thông Quang Trung (huyện Gò Dầu); Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu vào Trường Trung học Phổ thông Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu); Trường Trung học Phổ thông Lê Duẩn vào Trường Trung học Phổ thông Tân Châu (huyện Tân Châu); Trường Trung học Phổ thông Nguyễn An Ninh vào Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (huyện Tân Biên) và Trường Trung học Phổ thông Châu Thành vào Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành).

Theo ông Phan Minh Tùng, việc sáp nhập đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do không thể mở rộng đất ở các điểm chính nên trường sáp nhập vẫn là điểm phụ của trường mới dẫn đến hiệu quả sáp nhập chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên. Thực tế, Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành hiện vẫn đang duy trì điểm phụ tại Trường Trung học Phổ thông Châu Thành ở ấp Suối Dộp, xã Thái Bình dù đã được sáp nhập.

Bên cạnh những thuận lợi, theo Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ Nguyễn Văn Hùng, sau sáp nhập, trường hoạt động cùng lúc 2 cơ sở nên khó khăn trong công tác điều hành quản lý, xếp thời khóa biểu. Bên cạnh đó, hai cơ sở cách nhau 3 km nên ảnh hưởng đến việc di chuyển giữa các giờ dạy của giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng chung của nhà trường. Trong khi đó, điểm phụ của trường có phòng học không đúng quy cách. Diện tích phòng nhỏ (do được bàn giao từ Trung tâm giáo dục thường xuyên Châu Thành) với mỗi lớp có từ 40 học sinh trở lên khiến ảnh hưởng chất lượng giảng dạy của học sinh và giáo viên. Đáng nói, hiện cán bộ quản lý của nhà trường gồm 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng, trong khi trường có 2 cơ sở với số lượng giáo viên, học sinh đông nhất tỉnh (gần 2.000 học sinh) nên việc quản lý có lúc chưa chặt chẽ, đặc biệt ở cơ sở 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần có chế độ đối với những trường học có số lượng lớp nhiều, có từ 2 cơ sở trở lên. Trường nào có từ 28 lớp trở lên thì được bố trí 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng như trước đây. Trước mắt, cấp có thẩm quyền cần xem xét bổ sung cho nhà trường thêm 1 phó hiệu trưởng. Với cơ sở vật chất của nhà trường hiện đã xuống cấp, đơn vị này cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét xây dựng thêm 18 phòng học, phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên.

Còn tại trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Long Phước (huyện Bến Cầu), tháng 12/2018, trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Long Phước. Hiện trường có 14 lớp với 321 học sinh. Sau sáp nhập, nhiều bất cập đã nảy sinh như: Việc tổ chức tham gia các hoạt động ngoại khóa; đặc điểm chuyên môn giữa Tiểu học và Trung học Cơ sở khác nhau nên giáo viên không thể hỗ trợ chuyên môn qua lại (trừ một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Phước cho biết, việc giảm biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp trường học hiện khó thực hiện vì số học sinh, số lớp ngày càng tăng mà yêu cầu giảm biên chế nên không có đủ giáo viên giảng dạy. Quy định về giảm số lượng cấp phó tối đa còn 2 phó hiệu trưởng/đơn vị gây khó khăn về quản lý cho các trường hạng 1, trường có nhiều cơ sở có số lượng học sinh, số lớp và số giáo viên cao.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, số lượng học sinh ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc số lượng lớp học sẽ tăng lên, dẫn đến nhu cầu về giáo viên cũng tăng lên, nên không thể giảm biên chế viên chức sự nghiệp. Biên chế viên chức tỉnh giao năm 2023 cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay là 1.965 biên chế viên chức chi trả từ ngân sách và 60 biên chế viên chức chi trả từ nguồn thu. Số giao này đã tương ứng đủ với số lượng viên chức cần thiết phải có đối với số lớp hiện có và định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Trong khi đó, có tình trạng thiếu giáo viên nhưng việc tuyển dụng khó khăn, không đảm bảo đủ số giáo viên, dẫn đến việc chi trả thừa giờ, thỉnh giảng cao hơn mức kinh phí giao bổ sung biên chế thiếu, dẫn đến đơn vị sự nghiệp công lập khó thực hiện nâng mức độ tự chủ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đề xuất, thời gian tới, ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh Tây Ninh cần căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục trên địa bàn để đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, tỉnh ban hành các nghị quyết về chính sách thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo; ưu tiên giao đất, cho thuê đất, dành quỹ đất công để phát triển cơ sở giáo dục, giảm tiền thuê đất đối với đơn vị thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Những nơi không có đất công, Nhà nước cần bổ sung quy hoạch và ngân sách nhà nước chi thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; ưu đãi hỗ trợ khác về đầu tư phòng học hoặc trang thiết bị đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện việc chuyển đổi dần các cơ sở giáo dục có vị trí không phù hợp môi trường giáo dục do tốc độ đô thị hóa nhanh của tỉnh; các trường nằm ở trục chính có mật độ lưu thông cao, có diện tích hẹp không đủ chuẩn, không đảm bảo an toàn cho học sinh và phụ huynh đưa đón; chuyển đổi các trường trong khu vực đô thị không đủ diện tích theo quy định sang vị trí đất phù hợp quy hoạch phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sư phạm…

Giang Phương (TTXVN)
Vụ phản đối sáp nhập trường ở Nghệ An: Tất cả học sinh đã đến lớp
Vụ phản đối sáp nhập trường ở Nghệ An: Tất cả học sinh đã đến lớp

Sau khi Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) có buổi đối thoại trực tiếp với người dân vào cuối tuần qua, sáng 12/9, toàn bộ học sinh Trường Trung học Cơ sở Khai Lạng, huyện Anh Sơn đã đi học đầy đủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN