Nhiều băn khoăn với phần mềm xét tuyển chung

Rất nhiều lãnh đạo trường đại học (ĐH) đã bày tỏ băn khoăn trước quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) là sử dụng một phần mềm xét tuyển chung cho cả nước.

Vấn đề đặt ra là liệu quy định này có vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của trường đại học hay không? Bên cạnh đó, liệu phần mềm có đảm bảo mạng được thông suốt trong quá trình xét tuyển? 

Phải trên cơ sở tự nguyện

Một cán bộ Trường ĐH Thủy lợi cho rằng: “Dữ liệu tuyển sinh là một trong những thông tin ít trường muốn chia sẻ; vì vậy việc sử dụng chung một phần mềm xét tuyển khiến nhiều trường không đồng tình. Bên cạnh đó, trong đề án tuyển sinh riêng, các trường có khá nhiều tiêu chí phụ cần thí sinh đáp ứng, bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia; đặc biệt là những trường đặc thù như trường nghệ thuật, quân đội. Vậy Bộ GD - ĐT sẽ làm như thế nào để dung hòa các tiêu chí đặc thù này khi xét tuyển chung? Theo tôi, một quy định đưa ra cũng cần phải xét trên yêu cầu thực tế. Việc đảm bảo nguồn tuyển, dữ liệu và được trực tiếp làm xét tuyển là quyền lợi chính đáng của trường”.

Điều lo lắng của nhiều trường đại học là phần mềm xét tuyển chung có đảm bảo sẽ không xảy ra nghẽn mạng.Ảnh: TTXVN

Còn theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, phương án này của Bộ phải được triển khai trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của các trường. Không thể bắt các trường tham gia, bởi có trường xét tuyển theo học bạ, có trường kết hợp xét học bạ và phương thức khác, không thể cho hết vào một “rọ” được.

“Lấy ví dụ như khi nhóm GX - nhóm tuyển sinh do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, thành lập; các trường cũng rất đắn đo khi tham gia bởi mỗi trường có những tiêu chí riêng, trong khi những trường tham gia vào nhóm sẽ phải có những tiêu chí chung và phải thống nhất để trong quá trình xét tuyển không có thay đổi”, ông Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.

Nỗi lo nghẽn mạng

Trong đợt xét tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, vào ngày 22/7/2015, khi Bộ GD - ĐT công bố điểm thi, đa số các trang web được phép công bố điểm đều tê liệt. Nguyên nhân của việc này là do Bộ GD - ĐT đã độc quyền kênh công bố kết quả điểm trên website của Bộ. Chỉ khi có sự cố về đường truyền, Bộ mới chia sẻ quyền công bố này cho 8 trường đại học.

Chưa hết, đến ngày 20/8, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ; lại tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải và nghẽn mạng. Những câu chuyện bi hài xảy ra với thí sinh và người nhà dịp này, vẫn còn là nỗi ám ảnh với những người làm tuyển sinh của các trường.

Vì vậy, khi Bộ đưa quyết định về phần mềm xét tuyển chung, lãnh đạo các trường ĐH lo ngại về vấn đề đảm bảo mạng thông suốt. “Những sự cố về công nghệ thông tin hoàn toàn có thể xảy ra khi hạ tầng công nghệ thông tin của các trường không đồng đều”, ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ nhận định.

Trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cũng không khẳng định được là sẽ chấm dứt tình trạng nghẽn mạng với phần mềm xét tuyển chung, mà chỉ dừng lại ở việc “giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng”. Hiện tại, Bộ cũng chưa có một công bố nào về hệ thống mạng sử dụng xét tuyển chung, ngoài thông tin chung chung là Bộ đã triển khai thử nghiệm hệ thống xét tuyển chung này.
Lê Vân
Một phần mềm tuyển sinh chung cho cả nước
Một phần mềm tuyển sinh chung cho cả nước

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 sẽ có một phần mềm xét tuyển chung cho cả nước. Phần mềm này đã được chạy thử và cho kết quả khả quan. Do đó, việc xét tuyển cho nhóm trường như nhóm GX (do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì) sẽ không tồn tại. Bộ sẽ sớm ban hành hướng dẫn về phần mềm tuyển sinh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN