Mô hình này đã được tôn vinh là một trong các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.
Cô giáo Lê Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng cho biết: Xuất phát từ thực tiễn có rất nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mà Ban Giám hiệu nhà trường đề ra mô hình này.
Để quan tâm, động viên, giúp đỡ các em, nhà trường đã có nhiều hình thức đỡ đầu học sinh như hỗ trợ vật chất, giày dép, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền... Ngoài ra, thầy cô còn hỗ trợ tài liệu, ôn tập trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; quan tâm giáo dục kỹ năng sống; tư vấn hướng nghiệp; chăm sóc giúp đỡ khi học sinh ốm đau hoặc gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí ban đầu khi các em đỗ đại học có nguy cơ phải dừng học vì khó khăn.
Em Lang Thị Huyến, lớp 11A3, chia sẻ: Em là người dân tộc Lô Lô, sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Ngoàm Lồm, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Năm học 2021 - 2022, em thi đỗ và vào học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Lúc mới vào học, do môi trường mới, em rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Hiểu được tâm tư của em, cô giáo chủ nhiệm đã thường xuyên động viên, giúp đỡ em hòa nhập với các bạn, lớp học mới. Những ngày cuối tuần, cô hay đưa Huyến về nhà để chơi với các con của cô, tranh thủ ôn tập, hướng dẫn bài mới để Huyến nắm bắt kiến thức nhanh hơn...
Nhờ sự đỡ đầu của cô giáo Nông Thị Bích Ngọc (dạy môn Vật lý) và sự hỗ trợ kịp thời của nhà trường, em Lương Thị Duyên, học sinh lớp 11A1, đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục theo đuổi ước mơ theo đuổi tri thức. Lương Thị Duyên chia sẻ, em sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo xóm Kéo Quyẻn, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng; mồ côi cha từ nhỏ, một mình mẹ tần tảo nuôi 4 chị em ăn học. Trong một lần đi làm về, mẹ của Duyên bị tai nạn gãy tay, sức khỏe yếu dần, các chị đi lấy chồng, đi làm ăn xa, một mình mẹ làm nương rẫy, nuôi lợn, bò để chăm lo cho Duyên ăn học. Mặc dù sức học tốt, nhiều lần, em Duyên đã có ý định bỏ học để về nhà giúp đỡ mẹ...
Hiểu được những lo lắng của Duyên, cô giáo Nông Thị Bích Ngọc đã kịp thời động viên, chia sẻ với những khó khăn của cô học trò nhỏ bằng những việc làm thiết thực như, giúp đỡ em ổn định tâm lý; mua quần áo ấm mùa Đông, văn phòng phẩm, tài liệu tham khảo để em nâng cao kiến thức; hỗ trợ về vật chất khi Duyên về nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch... Ngoài nhận đỡ đầu em Lương Thị Duyên, với cương vị Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô giáo Nông Thị Bích Ngọc còn thường xuyên quan sát, phát hiện các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kêu gọi sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, đoàn thể nhà trường, các nhà hảo tâm...
Thông tin thêm về mô hình, cô giáo Lý Thu Hiền (dạy môn Ngữ Văn) cho biết, phần lớn học sinh của trường đều thuộc hộ nghèo, hộ khẩu thường trú tại các thôn xóm, xã đặc biệt khó khăn. Nhiều em có hoàn cảnh éo le nên việc đỡ đầu, giúp đỡ học sinh trở thành công việc thường xuyên, là thói quen của mỗi thầy cô giáo. Những học sinh mà cô Hiền nhận đỡ đầu có em đã ra trường, có việc làm, có thu nhập, giúp đỡ gia đình vượt qua những khó khăn, vất vả. Trong quá trình giảng dạy và thực hiện mô hình, cô Hiền vẫn nhớ về hình ảnh những cô cậu học trò được giúp đỡ về vật chất, tinh thần đã cố gắng, nỗ lực vượt khó, quyết tâm học tập, rèn luyện tốt, thi đỗ đại học như Dương Văn Vàng (dân tộc Mông, ở huyện Hà Quảng); Đàm Thị Vân (dân tộc Nùng ở huyện Trùng Khánh), Hoàng A Hầu (dân tộc Mông)...
Thực hiện mô hình “Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận đỡ đầu từ một học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường”, từ năm 2016, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được gần 100 triệu đồng; động viên, giúp đỡ 6 học sinh dân tộc thiểu số đặc biệt ít người (Lô lô, Ngái) đi học đại học, góp phần tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương.
Cô giáo Lê Thị Lan Phương, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, mô hình đã tạo điều kiện, cơ hội để cán bộ, giáo viên, chủ động sẻ chia, động viên, khuyến khích, định hướng kịp thời đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu tình cảm và sự quan tâm thường xuyên của gia đình. Đồng thời, hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn định hướng được năng lực, phẩm chất và giúp các em có niềm tin, bản lĩnh, hành trang vững vàng trong cuộc sống.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng mong rằng, mô hình sẽ được lan tỏa trong các cơ sở giáo dục cùng loại hình để học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số đặc biệt ít người được hỗ trợ, giúp đỡ, động viên kịp thời vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống...