Thưa ông, trong bối cảnh công nghệ ngày càng có những bước tiến vượt bậc, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong trong lĩnh vực STEM có vai trò như thế nào?
Từ năm 1986 cho đến nay, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì những lợi thế về địa lý, nền tảng chính trị ổn định và môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện. Những lĩnh vực như Công nghệ thông tin – Truyền thông, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và đặc biệt công nghiệp bán dẫn và vi mạch đang là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới.
STEM được hiểu là từ viết tắt chỉ những nhóm ngành liên quan đến các ngành: Khoa học (Science) – Công nghệ (Technology) – Kỹ thuật (Engineering) – Toán học (Mathematics).
Trong bối cảnh như vậy, một lần nữa Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Với vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của STEM và những vấn đề lớn đặt ra như vậy, chúng ta nhận thức sâu sắc nhân lực STEM chất lượng cao, trình độ cao chính là nguồn lực cạnh tranh quốc tế của các quốc gia phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 (ở Nhật Bản đã nói đến xây dựng Xã hội 5.0), và với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Trước khi nói đến nguồn nhân lực, chúng ta phải nói đến cơ hội để phát triển công nghiệp kỹ thuật Việt Nam.
Gần đây, nhiều sự kiện lớn đã diễn ra liên quan tới các chuyến thăm ngoại giao của các nguyên thủ nước ngoài, như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore đến thăm Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.... Chúng ta nhìn thấy có sự di chuyển mang tầm vóc toàn cầu đến các đất nước mới phát triển như Việt Nam; thấy được cơ hội để phát triển nền công nghiệp mang tính chất toàn cầu và trở thành một trong những cơ sở sản xuất mới trên toàn cầu.
Cơ hội dành cho Việt Nam rất nhiều. Việt Nam đã có một số ưu thế như: Vị trí địa lý, giao thương, có quan hệ hội nhập với các nước trên thế giới. Nhưng nhân lực Việt Nam còn thiếu những yếu tố quan trọng như tính kỷ luật lao động, nguồn nhân lực có chất lượng về công nghệ kỹ thuật cao. Để làm điều này, chúng ta phải có sự chuẩn bị.
STEM liên quan đến tư duy cho học sinh ở các cấp học. STEM không đơn giản chỉ cho học sinh tham gia vào một số cuộc chơi thú vị liên quan đến thực tập, thi cử, mà liên quan đến kiến thức về công nghệ, kỹ thuật, về tự nhiên. Điều này, Việt Nam có thế mạnh.
Nhưng đâu đó, số lượng người Việt Nam đi học về lĩnh vực này đang giảm. Tôi hay nói với sinh viên, chúng ta chưa giàu nhưng đã hưởng thụ, đã thực hiện các chính sách giống như các nước giàu. Vì thế, chúng ta cần xem xét lại. Điều này còn liên quan đến hướng truyền thông, chính sách của Nhà nước dẫn đến số lượng người học STEM giảm.
Nếu chúng ta có một chính sách đủ tốt, trong thời gian tới nhân lực hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp hoá, Việt Nam trở thành cứ địa về sản xuất công nghiệp trên toàn cầu.
Yêu cầu này ảnh hưởng như thế nào tới các trường đại học thưa ông?
Tôi cho rằng đây không phải là thách thức với các trường đại học mà các trường cần sự chuẩn bị về chiều sâu. Trước mắt cần chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, phòng thí nghiệm và đặc biệt là tâm thế với các giảng viên, các hệ thống chính sách đi kèm.
Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành. Việt Nam có các nhà khoa học trong 6 lĩnh vực được thế giới ghi nhận và xếp hạng đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM. Minh chứng này cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến liên quan đến STEM.
Như ông vừa trao đổi, STEM cần đến được các cấp học thì mới có đầu vào tốt cho các trường đại học. Tuy nhiên, STEM chỉ tập trung một số ngành như công nghệ, toán, khoa học tự nhiên. Vậy đâu là giải pháp để tháo gỡ vấn đề này?
STEM không đơn giản chỉ là những môn kết hợp. STEM Toán, Vật lý, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Đưa STEM không phải theo hướng giải quyết bài toán là giúp người học đáp ứng được kiến thức, kỹ năng sau này ra làm doanh nghiệp về công nghệ kỹ thuật. Chúng ta cần chuẩn bị cho các con tinh thần học tập theo hướng học suốt đời.
Điều đó có nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, các trường đại học vào cuộc mới có được một hệ thống giáo dục tốt, mức sống của người dân tăng, kéo theo vị thế của Việt Nam trên thế giới tăng. Mọi người được hưởng lợi từ STEM, không chỉ các trường hay các doanh nghiệp.
Cụ thể, muốn giáo dục STEM thành công cần thay đổi nhận thức của xã hội, của người dạy, người học từ bậc học phổ thông. Chúng ta cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó bản thân mỗi cơ sở giáo dục Đại học cần có sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giảng viên, đầu tư phòng thí nghiệm và các hoạt động thực tập, thực hành. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần cho các nhóm nghiên cứu và các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước cập nhật thường xuyên những vấn đề mới, xu hướng mới gắn với các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, hoàn thiện những kỹ năng mềm cho sinh viên có khả năng hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!