Người mẹ ở trường của những học trò tuổi ẩm ương

24 tuổi (sinh ngày 9/6/1990), vừa kịp ra trường, Đinh Thị Hòa - cô sinh viên giỏi toàn khóa K44, ngành sinh học của trường Đai học Sư phạm Thái Nguyên, đã ngay lập tức được nhận vào trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Siêu, một ngôi trường có tiếng của Hà Nội.


Cô giáo Đinh Thị Hòa (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp dự lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời làm giáo viên.


24 tuổi, chưa làm vợ, nhưng trong vai trò là giáo viên chủ nhiệm, Đinh Thị Hòa đã kịp trở thành “mẹ” của 21 “tiểu yêu” lớp 7A3 của trường. Nói là làm “mẹ”, vì phải lo cho các con từ việc học hành, tới việc ăn, ngủ, sinh hoạt, rồi kể cả việc làm “bác sĩ tâm lý” cho các con nữa. Lớp 7 trường Nguyễn Siêu vẫn bán trú, mà theo quy định, giáo viên chủ nhiệm lại phải bám lớp từ khi các con tới trường tới khi các con rời trường, tức là từ 7 giờ 10 mỗi sáng cho tới 17-18 giờ mỗi ngày, thậm chí là muộn hơn vì còn những công việc chuyên môn nữa. Theo sát việc học của các con trong từng tiết, theo sát các con trong giờ ăn, rồi theo sát các con cả giờ ngủ, giờ chơi. Chưa kể cái tuổi 13 của lớp 7, vốn các cụ gọi là tuổi ẩm ương, vừa bướng, vừa có “cái tôi” ngút trời, lại vừa cũng đang chớm biết tới những rung cảm của tuổi mới lớn. Cô giáo chủ nhiệm, vì thế phải làm mẹ, lại cũng phải làm chị, làm bạn tâm giao của các con. Lúc rắn, lúc mềm, lúc nghiêm khắc, lúc thủ thỉ, lúc siết theo kỷ luật, lúc lại phải cảm thông và sẻ chia…


Chuyện đâu có dễ kể cả với những bà mẹ có một cô con gái, những ông bố có một cậu con trai ở tuổi này. Thế mà với Hòa, cô phải “cáng đáng” luôn cả 21 em, mà phải tỉ mẩn hiểu tâm tư của em, phải nắm bắt từng chuyện nhỏ nhất xảy ra trong mỗi tiết học, có gì cần là điều tiết ngay, rồi đứng ở vị trí “trung gian” giữa học trò mình và giáo viên bộ môn nữa.


Cô giáo Hòa và những "tiểu yêu" lớp 7A3.


Việc khó, nhưng với cô gái đã muốn là quyết tâm làm cho được, lại có cái bản lĩnh của cô gái đất Thái Bình xa nhà đi học ĐH tận trên Thái Nguyên những năm sinh viên tôi luyện, nên xem ra cũng chưa việc gì làm khó được Hòa, dù đây là năm đầu tiên cô làm chủ nhiệm lớp.


Hòa kể, tháng 6/2014 thì cô bắt đầu vào trường Nguyễn Siêu, tháng 7/2014 thì đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3. “Là giáo viên mới bước chân vào trường, em đã rất lo lắng. Và hạnh phúc, cũng là lo lắng nhất chính là lúc em nhận được thông báo sẽ làm giáo viên chủ nhiệm . Công tác chủ nhiệm tại trường Nguyễn Siêu đòi hỏi sự tâm huyết, sự yêu trẻ, yêu nghề thật sự. Thêm vào đó thời gian các con học ở trường cả ngày, nên cô chủ nhiệm như là một người bạn, người mẹ của các con. Học sinh lớp 7 đang trong giai đoạn nhạy cảm nhất của tuổi học trò, em lại càng lo lắng vì sợ mình không nắm bắt, không hiểu được tâm lý các con. Nhưng sau khi nhận lớp, thì mọi lo lắng đã bớt hơn, bởi học sinh trường Nguyễn Siêu nói chung và học sinh lớp 7A3 nói riêng rất ngoan và ham học. Càng ở với các con thì em càng thêm yêu “ lũ tiểu yêu” này. Và bây giờ em thật sự coi lớp học 7A3 như ngôi nhà thứ 2 của em. Có những hôm giận và mắng học sinh vì việc nền nếp và học tập, mà tối về em cứ nghĩ, cứ trăn trở rằng mình lo cho các con nhưng liệu các con có hiểu hết được nỗi lòng của mình không? Nhiều hôm lên lớp nhìn học trò vui đùa mà sao lòng mình cũng thấy vui lạ. Những hôm ở lại nói chuyện và lắng nghe tâm sự của các con, em mới thấy hiểu thêm học sinh của em. Đúng là chỉ những ai làm nghề ươm mầm xanh cho đất nước thì mới hiểu hết được niềm hạnh phúc đó là như thế nào”.


Cùng học sinh trong một giờ ngoại khóa.


Hòa cho biết, “hành trình” đầu tiên của cô tại trường Nguyễn Siêu sở dĩ cũng dễ dàng hơn bởi đó là một môi trường giáo dục nghiêm túc, có rất nhiều những giáo viên tâm huyết với nghề. “Các thày cô rất yêu nghề, nhiều người lo lắng, quan tâm tới các học sinh như chính con của mình, đây là điều em học cũng học hỏi được nhiều khi bước chân vào nghề. Có thể nói, việc trở thành giáo viên của trường Nguyễn Siêu là một điều may mắn nhất với em”, Hòa tâm sự.


Trẻ lại mới vào nghề, nên Hòa rất chịu khó học hỏi, rèn luyện để nhanh trưởng thành. Những giờ sinh học (bộ môn cô giảng dạy tại trường) của cô giáo Hòa được học sinh yêu lắm, bởi ngoài những kiến thức khô khan trong sách giáo khoa đã được cô truyền giảng lại một cách dễ hiểu, dễ nhớ; Hòa còn rất chịu khó cho học sinh thực hành- để các con nắm chắc bài hơn, mà cũng khiến môn sinh học trở nên hấp dẫn hơn. Có những em, trước đây không thích môn sinh, nhưng giờ thì yêu và chờ tiết sinh của cô Hòa mỗi tuần như một niềm vui trong ngày vậy.


Từ khi làm giáo viên chủ nhiệm tới giờ, có lẽ những ngày về nhà trước 18 giờ của cô giáo Hòa chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Người ta luôn thấy cô cặm cụi ở lại, học hỏi thêm, trao đổi với các anh chị đồng nghiệp đi trước để tích lũy kinh nghiệm. Hòa sống cùng em trai trong căn nhà thuê và cậu em trai cuối cùng lại trở thành người chăm sóc cho chị, nấu cơm mỗi ngày chờ chị về; bởi mọi thời gian chị phải dành cho lớp, cho học trò của mình mất rồi.


Hòa tâm sự, trở thành giáo viên là mơ ước của cô từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và người khiến cô yêu cái nghề “gõ đầu trẻ” này chính là cô giáo dạy sinh cấp 2 của Hòa, cô Nguyễn Thị Hương. “Lúc đó, cô Nguyễn Thị Hương cũng là một giáo viên mới vào trường, nhưng với cách truyền đạt kiến thức hấp dẫn, sự quan tâm và tình yêu cô dành cho học trò, đã khiến em yêu thích cô và yêu môn sinh. Và từ đó em đã mơ ước trở thành giáo viên dạy sinh học. Giờ thì em đã làm được điều đó rồi”, Hòa tự hào chia sẻ.


A.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN