Nghị lực phi thường của tân sinh viên dân tộc Mường đạt 29,75 điểm

Em Phạm Thị Thuận, dân tộc Mường, học sinh Trường Trung học Phổ thông Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh trở thành tân sinh viên Khoa Sư phạm Lịch Sử, hệ chất lượng cao, Trường Đại học Hồng Đức với số điểm tương đối cao 29,75 điểm (tính cả điểm ưu tiên).

Bố không biết chữ, lại tàn tật, chân tay co quắp; mẹ chậm chạp, quanh năm đau ốm; bản thân phải đi chăn bò thuê để kiếm tiền đi học…, tuy nhiên, em Phạm Thị Thuận, dân tộc Mường, học sinh Trường Trung học Phổ thông Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh trở thành tân sinh viên Khoa Sư phạm Lịch Sử, hệ chất lượng cao, Trường Đại học Hồng Đức với số điểm tương đối cao 29,75 điểm (tính cả điểm ưu tiên). “Trái ngọt” Thuận đạt được hôm nay là cả một câu chuyện dài về sự nỗ lực không mệt mỏi của nữ sinh người dân tộc có hoàn cảnh gia đình éo le và tuổi thơ cơ cực. 

Chú thích ảnh
Tuổi thơ cơ cực nhưng năm nào Thuận cũng là học sinh giỏi. Ảnh: dantri.com.vn

Vượt quãng đường hơn 100 km từ làng Nhõi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, sáng 20/9, Thuận cũng kịp đến Trường Đại học Hồng Đức (thành phố Thanh Hóa) để làm các thủ tục nhập học. Thân hình tuy nhỏ bé hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa, nhưng bù lại Thuận có gương mặt sáng và đôi mắt ánh lên nghị lực phi thường. 

Trao đổi với Thuận sau khi em hoàn thành xong các thủ tục nhập học mới thấy được nội lực ẩn sâu bên trong của cô gái nhỏ bé này. Thuận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã miền núi Cao Ngọc còn nhiều khó khăn. Cả bố và mẹ đều không biết chữ, ốm đau, bệnh tật; em trai sinh ra cũng không được bình thường. Hoàn cảnh éo le là vậy, nhưng ngay từ nhỏ, Thuận đã nuôi trong mình một ước mơ sau này trở thành cô giáo để thay đổi cuộc đời. Dẫu viết rằng trong hoàn cảnh ấy, ước mơ của Thuận là xa xỉ bởi cả gia đình bữa đói, bữa no, dựa vào đâu để em có thể theo đuổi và viết tiếp ước mơ, nhưng Thuận vẫn không ngừng nuôi dưỡng và chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình.

12 năm học phổ thông, ngoài thời gian học trên lớp, Thuận nhận chăn bò thuê để đổi lấy cơm ăn và phụ giúp gia đình. Mặc dù có những thời điểm khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng để viết tiếp giấc mơ vào đại học, cô bé Thuận đã không ngừng nỗ lực cố gắng học tập để thay đổi cuộc đời. Những lúc bế tắc em lại tìm đến sách để tiếp thêm năng lượng tích cực cho bản thân. Nhờ đó, suốt những năm đi học, năm nào Thuận cũng là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường.

Chia sẻ về hình trình vượt khó của mình Thuận cho biết, cuộc sống cơ cực ngay từ khi mới sinh ra đã giúp em nhận ra một điều, chỉ có con đường học mới có thể giúp em từng bước thay đổi cuộc đời mình. Thuận không muốn rơi vào cái vòng luẩn quẩn nghỉ học sớm, lấy chồng, sinh con... Do vậy, có những lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, em vẫn luôn tự dặn lòng mình đừng bao giờ bỏ cuộc. 

“Ngày nhận được tin trúng tuyển vào Khoa Sư phạm Lịch Sử, hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức, em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đã chạm được ước mơ ấp ủ lâu nay, nhưng lo vì với hoàn cảnh như hiện tại, em không đủ nguồn lực để theo học. Cũng may, được sự quan tâm của các thầy cô giáo trong trường, hoàn cảnh của em đã được nhiều nhà hảo tâm biết đến và có sự trợ giúp kịp thời để em có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ…” Thuận chia sẻ. 

Tiến sỹ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa cho biết, biết đến hoàn cảnh và nghị lực của em Phạm Thị Thuận, trước thời điểm nhập học, nhà trường đã chủ động liên hệ với em để có những trợ giúp kịp thời. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để Thuận vào ở miễn phí trong khu ký xá của trường. Trong quá trình học tập, trường sẽ chủ động kết nối, liên hệ với các nhà hảo tâm, cùng với quỹ khuyến học của nhà trường để tiếp tục hỗ trợ em trong suốt thời gian theo học. Nhà trường cũng giao cho Khoa Sư phạm Lịch Sử quan tâm và tạo điều kiện để Thuận được tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, qua đó tăng cường kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm cần thiết…

“Năm nay, điểm chuẩn vào Khoa Sư phạm Lịch Sử, hệ đào tạo chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức tương đối cao (29,75 điểm). Mặc dù, điểm xuất phát thấp, nhưng Thuận đã vượt qua hàng nghìn thí sinh để tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Đối với hệ đào tạo chất lượng cao, tỉnh và nhà trường cũng đã có những cơ chế đặc thù ưu tiên. Sau thời gian đào tạo, các em sẽ được bố trí việc làm theo đúng chuyên môn và nguyện vọng. Hy vọng, trong suốt thời gian theo học tại trường, Thuận sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt được những kết quả cao hơn…”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ thêm.

Giờ đây, em Phạm Thị Thuận đã chọn Khoa Sư phạm Lịch Sử, Trường Đại học Hồng Đức là nơi dừng chân viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo tương lai. Con đường phía trước em sẽ còn nhiều gập ghềnh, nhưng tin rằng với nội lực sẵn có, Thuận sẽ tiếp tục “vượt dốc” thành công để chinh phục những thử thách trong tương lai…

Khiếu Tư (TTXVN)
Xét chọn học sinh, sinh viên trường nghề tiêu biểu
Xét chọn học sinh, sinh viên trường nghề tiêu biểu

Ngày 15/9, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức họp Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN