Thành phố Vinh là địa phương cuối cùng trong tỉnh Nghệ An chính thức cho học sinh Mầm non đi học trở lại. Chị Hoàng Linh Nga, ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh chia sẻ, hai bé nhà chị rất háo hức được đến trường. Dù trẻ ở bậc Mầm non chưa được tiêm phòng nhưng phụ huynh vẫn yên tâm khi đưa con tới trường. Thống kê của trường Mầm non Hưng Phúc, trong ngày 4/4 có gần 300 trẻ đến trường, đạt khoảng 60% và dự kiến trẻ sẽ đi học đầy đủ từ đầu tuần tới.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý - Trường Mầm non Hưng Phúc cho biết, đây là năm học chúng tôi phải nghỉ dài nhất. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường, nhà trường đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch COVID-19. Ngay từ tuần học này, trên cơ sở mục tiêu của năm học nhà trường sẽ rà soát lại chương trình và ưu tiên giảng dạy những nội dung cốt lõi, đặc biệt là với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Sau thời gian gián đoạn, cũng trong ngày 4/4, nhiều trường Tiểu học đã đón học sinh trở lại trường và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Từ nhiều ngày trước, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã gửi bản cam kết đến từng phụ huynh về yêu cầu đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng lập nhóm Zalo cập nhật tình hình sức khỏe của từng học sinh. Nếu em nào có biểu hiện ho, sốt sẽ xét nghiệm trước khi đến trường, gửi kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm.
“Ngày đầu học sinh trở lại, Trường Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh có gần 100 em vắng vì mắc COVID-19. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức dạy học của trường. Với những học sinh chưa thể đến trường, nhà trường có phương án hỗ trợ để giao bài, hướng dẫn học sinh học theo hình thức trực tuyến. Nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tuần tới tổ chức ăn bán trú cho học sinh”, cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Mao cho hay.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã yêu cầu bậc Mầm non thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với gia đình, cơ quan y tế tại địa phương để nắm bắt kịp thời và có phương án xử lý phù hợp khi có tình huống diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt trong trường hợp trẻ em có biểu hiện mắc bệnh.
Các cơ sở giáo dục Mầm non điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện chương trình theo các kịch bản phù hợp; lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết phù hợp với thời gian còn lại của năm học, giúp trẻ đạt mục tiêu, kết quả mong đợi theo quy định tại Chương trình giáo dục mầm non.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các cơ sở giáo dục thống nhất hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, chuẩn bị cho trẻ có tâm thế tốt để vào học lớp 1. Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục có các giải pháp chủ động, thích ứng trong tổ chức dạy học phù hợp với mỗi trường, mỗi lớp học để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục theo khung thời gian năm học. Đồng thời, tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kĩ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến - trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường, giáo viên cần rà soát kiến thức, kỹ năng đối với các học sinh trở lại học trực tiếp sau thời gian phải học trực tuyến nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các em đảm bảo tính hệ thống.