Những công việc chỉ có ở giáo dục miền núi: Các điểm trường thường cử nhân viên hỗ trợ giáo viên ngày ngày đến tận nhà gọi học sinh ra lớp; các đồn biên phòng hỗ trợ gạo, rau xanh cho học sinh bán trú; cử người nấu cơm cho trẻ tại các trường... Đây là những cách làm hay nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng học sinh tại các trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa bỏ học giữa chừng...
Bài 2: Cái khó "ló" cái khôn
Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong học kỳ II năm học 2009 - 2010 và học kỳ đầu năm học 2010 - 2011, các sở GD - ĐT trong vùng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để duy trì tỷ lệ chuyên cần và vận động học sinh bỏ học đến lớp, tích cực giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học toàn vùng là: 4.629 em; tỷ lệ học sinh trong toàn vùng đã giảm 0,15% so với năm học trước.
Giờ học của các em học sinh trường bán trú dân nuôi tiểu học và THCS Ngải Thầu (Lào Cai). Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN |
Cô giáo Lã Thị Lưu, giáo viên điểm trường Khe Lệ, Trường PTCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) đã có 23 năm dạy học ở vùng sâu, vùng xa cho rằng: "Giáo viên "cắm bản" ít nhất nên biết một tiếng dân tộc thiểu số. Nếu biết được nhiều thứ tiếng dân tộc thì càng tốt, vì đặc thù của giáo viên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa là hay luân chuyển nhiều nơi và va chạm với nhiều vùng dân tộc khác nhau. Khi giáo viên biết tiếng dân tộc rất dễ làm quen với phụ huynh học sinh và được phụ huynh luôn nhiệt tình ủng hộ.
Duy trì sĩ số lớp học ở miền núi không chỉ là mối quan tâm của ngành giáo dục mà còn là của toàn xã hội. Một trong những sáng kiến đang được Sở GD - ĐT Lào Cai triển khai là việc phối hợp với các đồn biên phòng tuyên truyền, giáo dục thiếu niên, nhi đồng tại các xã biên giới. Các đồn biên phòng còn trồng rau, tăng gia sản xuất để hỗ trợ gạo, thức ăn, rau xanh cho học sinh bán trú; phát động phong trào "Hũ gạo tình thương" để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mở rộng quy mô bán trú dân nuôi cũng là một trong những giải pháp được nhiều tỉnh triển khai để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh dân tộc ít người. Sở GD- ĐT Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ học bổng cho 6.617 học sinh bán trú dân nuôi tại các trường phổ thông theo hình thức lồng ghép cùng các chương trình phát triển KT-XH khác của địa phương. Mỗi học sinh được hưởng hỗ trợ mức 240 đồng/tháng x 9 tháng/năm học. Hay tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú, để tiền hỗ trợ người học được hưởng chứ không phải phụ huynh được hưởng.
Còn Sở GD - ĐT Cao Bằng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ngành văn hóa, các cấp ủy chính quyền đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa để hạn chế nạn tảo hôn ở những vùng dân tộc ít người.
Ngành GD-ĐT Lào Cai có thêm những nhân viên hỗ trợ giáo viên ở những điểm trường lẻ của giáo dục tiểu học. Đây là một phần trong dự án giáo dục tiểu học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước thông qua và hỗ trợ kinh phí hàng tháng. "Lúc đông nhất, Lào Cai có 440 người thuộc "quân số" nhân viên hỗ trợ giáo viên, còn những nhân viên khác không nằm trong khuôn khổ dự án này thì tự nguyện theo phân công của đoàn thể hoặc địa phương. Người thì đi nấu cơm cho trẻ học bán trú hoặc chăn trâu, chăn ngựa thay cho các em cuối cấp ở tiểu học để học sinh yên tâm đi học cả ngày" - ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai chia sẻ.
Giải quyết việc luân chuyển giáo viên và ổn định công tác giảng dạy, tỉnh Điện Biên đã hướng tới nguyện vọng của chính những giáo viên để họ yên tâm công tác. "Tạo điều kiện cho giáo viên được ở lại vùng khó bằng cách cấp đất, cấp nhà và rót kinh phí phụ cấp để họ gắn bó lâu dài với vùng cao. Bên cạnh đó có chính sách luân chuyển giáo viên hợp lý, tỷ lệ chỉ khoảng 20 - 30% - ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD- ĐT Điện Biên kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Gắn kết học sinh trong khu nội trú, khu trọ học thông qua các hoạt động tập thể như: Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, làm vườn, chăn nuôi cải thiện đời sống. Từ đó giúp học sinh thêm yêu trường lớp, khắc phục khó khăn, tăng cường học tiếng Việt, giảm thiểu tư tưởng nghỉ học, bỏ học. Đề án phát triển mô hình này sẽ sớm có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ không xây dựng đề án luân chuyển giáo viên mà vẫn để tỉnh nào tự giải quyết vấn đề giáo viên của tỉnh đó với sự thu xếp kinh phí của UBND tỉnh. Bộ GD - ĐT sẽ làm nơi kết nối nơi nhận nơi đi và có chế độ hướng dẫn. Đồng thời, khuyến khích các địa phương có sáng kiến kịp thời để cân đối số lượng giáo viên giữa các vùng.
Lê Vân