Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu mới được thành lập hơn một năm, cơ sở hạ tầng còn tạm bợ, trong đó có ngành giáo dục. Vì lợi ích của các em học sinh đồng bào dân tộc, vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, ngành giáo dục huyện Nậm Nhùn từng ngày khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Trường, lớp tạm bợ
Năm học 2013 - 2014 toàn huyện Nậm Nhùn có 31 trường và hơn 4.000 học sinh, sang năm học mới tăng thêm 6 trường và khoảng 4.000 học sinh. Quy mô trường lớp, học sinh tăng nhanh, nhưng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục lại hạn hẹp nên ngành phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm phòng tạm (tranh, tre, nứa, lá, lợp bạt). Tổng số có hơn 500 phòng học, trong đó 152 phòng tạm, đặc biệt nhiều trường phải cho học sinh đi học và ở nhờ các trường khác trên địa bàn.
Cơ sở vật chất của ngành giáo dục huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) còn thiếu thốn, tạm bợ, cả thầy lẫn trò cố gắng khắc phục chờ ngày được đầu tư mới. |
Trường THPT huyện Nậm Nhùn có chín lớp, tổng 300 học sinh, nhưng hiện nay đang phải đi học nhờ ở trường cấp hai. Trường học sáng, trường học chiều, nên tất cả các hoạt động bồi dưỡng, ôn thi, phụ đạo phải tổ chức vào buổi tối, cả ngày nghỉ và ngày lễ. Cùng hoàn cảnh học nhờ cơ sở vật chất, Trường PTDT Nội trú THPT Nậm Nhùn có sáu lớp, 195 học sinh, nhưng cũng đang học nhờ trường PTDT bán trú THCS xã Nậm Hàng. Các em học sinh chia ra, số ít ở trong khu kí túc trường cấp hai, còn lại phải ngủ nhờ ở nhà văn hóa bản, một số học sinh Trường cấp hai và Trường THPT phải ở nhà dân. Theo thống kê của Phòng GD & ĐT huyện Nậm Nhùn, hiện nay toàn ngành có 7 trường chưa có trụ sở, phải đi học nhờ.
Thầy Quách Tất Hưởng, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THPT Nậm Nhùn cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất nhà trường chưa có, phải đi học nhờ nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Thầy cô giáo và học sinh đang từng ngày khắc phục những khó khăn, chờ ngày được đầu tư xây dựng trụ sở cho bớt khổ. Tôi mong sao chính quyền các cấp quan tâm, nhanh chóng đầu tư để công tác dạy và học của thầy trò hiệu quả hơn”.
Phòng GD & ĐT Nậm Nhùn lý giải, số lớp năm nay tăng vì phải mở thêm nhiều lớp ở các điểm bản. Trưởng phòng Vũ Tiến Hóa chia sẻ: “Do khoảng cách địa lý giữa các cụm dân cư trong một bản và các bản trong một xã rất lớn, địa hình chia cắt, sông suối nhiều không có đường giao thông. Để đáp ứng nhu cầu học tập và quyền lợi của các em học sinh, Phòng đã tham mưu với Huyện ủy, HĐND và UBND huyện phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã thành lập các điểm trường. Các em sẽ có điều kiện học tập thuận lợi hơn”.
Do quá tải về lớp học, giáo viên đứng lớp nên ngành giáo dục Nậm Nhùn đưa ra giải pháp huy động các em học sinh từ lớp ba đến lớp năm về trung tâm xã học. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi, vì khoảng cách địa lý quá xa, cơ sở vật chất ở trung tâm còn thiếu. Phòng học, phòng ở và các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà ăn… chưa đủ. Cụ thể, học sinh Trường THCS Nậm Hàng có 200 em ở điểm bản Nậm Lay, Lồng Ngài phải đi 80 km đường mòn dân sinh để về trường học. Nếu có lớp học ở các điểm bản này, học sinh đỡ nỗi khổ đi bộ cả ngày mới xuống được trường học.
Tiết kiệm trả lương hợp đồng
Ông Vũ Tiến Hóa cho biết, hiện ngành giáo dục huyện Nậm Nhùn có 868 biên chế, trong khi để đủ cho công tác đứng lớp phải có 1.100 biên chế, như vậy Phòng phải hợp đồng thêm 200 biên chế. Tính mỗi biên chế 76 triệu đồng một năm thì một năm Phòng phải chi 20 tỷ đồng cho giáo viên hợp đồng. Ông Hóa nói: “Không thể để học sinh nghỉ học vì thiếu biên chế, vì vậy chúng tôi phải lấy từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi hàng năm được giao của ngành. Hiện nay, ngành hầu như không có kinh phí để chi cho việc tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và rất khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động chuyên môn như Hội thi giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ…”.
Điểm dân cư Nậm Tảng, Nậm Cười hàng chục năm không có cấp ủy, chính quyền, không có trường lớp do địa giới chưa thuộc vào xã nào. Phòng GD & ĐT đã khảo sát thấy người dân khao khát để con em được học chữ nên năm học 2013 - 2014 quyết định mở lớp mầm non, lớp một và các lớp xóa mùa chữ cho độ tuổi từ 15 - 35. Điểm Nậm Tảng có 22 cháu mầm non; tiểu học có 18 em và hơn 40 học viên tham gia học lớp xóa mù, ngành đã cử bốn giáo viên vào để duy trì lớp. Điểm dân cư Nậm Cười có 19 cháu mầm non, tiểu học có 35 em và trên 30 học viên học lớp xóa mù, năm giáo viên có mặt để tổ chức dạy và học. Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cùng với chính quyền xã lân cận, Đồn biên phòng Hua Bum, người dân làm phòng học và phòng ở tạm cho giáo viên.
“Do địa hình cách trở, khoảng cách xa, không có đường giao thông nên học sinh không ra điểm mở lớp quy định, vì vậy phải mở lớp tại đó nên mới thiếu giáo viên, phòng học không đủ. Huyện tha thiết đề nghị với tỉnh và Sở Giáo dục & Đào tạo Lai Châu bổ sung kinh phí cho giáo viên hợp đồng. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã cùng Phòng GD & ĐT huyện cố gắng khắc phục, để chờ được đầu tư kinh phí”, ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết.
Bài và ảnh: Việt Hoàng