Năm học mới 2023 - 2024: Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả dạy học kết nối

Thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo; xây dựng, triển khai Đề án hệ thống “Giáo dục thông minh” tỉnh Nam Định, nhất là nâng cao hiệu quả dạy học kết nối... là những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định tổ chức ngày 22/8.

Chú thích ảnh
Giáo viên Trường THPT Trần Văn Lan (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu: Văn Đạt/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Vũ Đức Thọ thông tin, tháng 10/2022, Sở đã ban hành Kế hoạch tổ chức dạy học kết nối. Đây là phương pháp dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng các công cụ kết nối (trực tuyến) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tổ chức/hỗ trợ cho việc dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Theo Kế hoạch, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) chủ trì phối hợp các Trường Trung học Cơ sở chất lượng cao, Trường Trung học Phổ thông trong tỉnh xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức các giờ hội thảo chuyên môn và các giờ dạy kết nối để bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, nâng cao chất lượng học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia…

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, năm học 2023 - 2024, ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền rà soát, sắp xếp, quy hoạch điểm trường theo hướng tinh gọn, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục các cấp học.

Ngành thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên từng cấp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết.

Ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục với phương châm lấy học sinh làm trung tâm của quá trình học; triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đảo đảm sách giáo khoa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chuẩn bị sơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình đối với lớp 5, 9 và 12 theo lộ trình vào năm học 2024-2025.

Cùng với đó, ngành đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; dạy học tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 5, lớp 9 tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ giáo viên phù hợp; tăng cường về vật chất, đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học; xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý dạy thêm học thêm, dạy kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, tránh tình trạng lạm thu đầu năm học mới.

Bên cạnh đó, ngành triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh theo hướng mở. Ngành phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và cơ sở đào tạo nghề tư vấn nghề, hướng nghiệp cho học sinh...

Toàn tỉnh có hơn 750 cơ sở giáo dục, với trên 24.150 cán bộ quản lý, giáo viên. Các cơ sở giáo dục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, điểm trung bình môn thi tốt nghiệp của tỉnh Nam Định tiếp tục trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước, với 8/9 môn có điểm trung bình trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu; trong đó, điểm trung bình môn Toán và môn Hóa học xếp thứ nhất cả nước; điểm thi bình quân của thí sinh Nam Định đạt 40,03 điểm, dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt trên 99,8%.

Nguyễn Lành (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Nhà trường không bắt học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học
TP Hồ Chí Minh: Nhà trường không bắt học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học

Các trường không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN