Tại buổi toạ đàm, văn hóa học đường được xác định là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và bản thân.
Văn hóa ứng xử trong trường học là hệ giá trị, tư tưởng, nhận thức về quan hệ ứng xử của các thành viên trong nhà trường với các sự vật, hiện tượng trong khuôn viên trường học và với chính bản thân mỗi người, được thể hiện qua thái độ, hành vi, ngôn ngữ theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức được xã hội thừa nhận và nhà trường quy định.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, vấn đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, môi trường văn hóa học đường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa xã hội nói chung và đã ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường học đường.
Trong những tiêu chí đưa ra nhằm xây dựng mô hình văn hoá ứng xử trong trường học, nhiều ý kiến thống nhất cao về tầm quan trọng vai trò gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Vì để xây dựng nên nền tảng văn hóa của một con người thì cần phải có sự phối hợp tổng hòa của nhiều phía. Ngành Giáo dục cần phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về ứng xử văn hóa trong nhà trường để các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, ngành giáo dục đã và đang đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp trong từng nhiệm vụ, trên từng mảng lĩnh vực, có lộ trình theo từng giai đoạn từ hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nội dung chương trình và các điều kiện dạy và học. Theo Thứ trưởng, những mô hình trường học hạnh phúc, trường học xanh, sạch, đẹp cần được nhân rộng để tạo nên những ngôi trường có môi trường học tập thực sự an toàn, thân thiện, tôn sư trọng đạo, giáo dục hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho các em học sinh, sinh viên. Việc xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học cần phải phù hợp với từng cấp học, từng độ tuổi.