Kỳ thi THPT Quốc gia: Thành công về phương diện đề thi và tổ chức thi

Chiều ngày 24/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Họp báo Thông báo kết thúc công tác coi thi, kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo - Trưởng Ban chỉ đạo Thi THPT Quốc gia Bùi Văn Ga.

Theo đánh giá chung của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được tổ chức thành công trên hai phương diện đề thi và tổ chức thi.


Đề thi đánh giá được năng lực  thí sinh

Về phương diện đề thi, năm nay bắt đầu xây dựng ngân hàng đề thi theo phương thức chuẩn hóa quốc tế. Bước thứ nhất, thử nghiệm chuẩn hóa câu hỏi thi  trên chính học sinh lớp 12 cả nước. Bước thứ hai, dựa vào bước thứ nhất tiếp tục thực hiện thử nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó của đề thi.

Đề thi gốc được bàn giao cho các cơ sở in sao sớm hơn mọi năm. Các sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi, đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, cũng như đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi của địa phương.

Các câu hỏi trong đề thi có nội dung nằm trong chương trình lớp 12, gồm khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình lớp 12, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của Kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, Cao đẳng.

Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng, nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong cả đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).

Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi


Đổi mới căn bản tích cực về cách tổ chức thi

Năm 2017 là năm chốt kế hoạch đổi mới tuyển sinh.

Năm nay, việc tổ chức một loạt cụm thi ở mỗi tỉnh/thành phố do sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp; là một đổi mới căn bản về cách tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kì thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại địa phương trước đây.

Cơ bản có một số đổi mới nổi bật sau:

Tổ chức một loại cụm thi với 2 mục đích ở tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Năm nay, các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh. Từ 4 đợt thi trước đây, nay chỉ còn 1 đợt thi duy nhất. Những năm trước đây để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng thí sinh phải đến các thành phố lớn để dự thi, năm nay lần đầu tiên thí sinh có thể dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại địa phương. Vì vậy, kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội, đạt được mục tiêu và yêu cầu đổi mới công tác thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cụm thi, các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp thực hiện công tác tổ chức. Đây là lần đầu tiên các sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi với hai mục đích. Để hỗ trợ cho địa phương, Bộ GDĐT điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là cao đẳng - CĐ) về các địa phương tham gia tổ chức kỳ thi; mỗi phòng thi đều có 1 cán bộ, giảng viên trường đại học, cao đẳng làm công tác coi thi cùng với một giáo viên THPT/GDTX tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa địa phương và các trường đại học, cao đẳng là yếu tố quan trọng quyết định độ tin cậy của kết quả Kỳ thi.

Tổ chức thi theo bài và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan hầu hết các bài thi. Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kì thi. Việc thi theo bài và thi trắc nghiệm khách quan hầu hết các bài thilà phương thức hiệu quả để ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực khác trong phòng thi. Tổ chức thi theo phương thức này còn đặt ra yêu cầu học sinh học đều chương trình, tránh học tủ, học lệch góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông.

Ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong Phương án thi, theo hướng tiếp tục thực hiện 
đánh giá năng lực người học, đảm bảo câu hỏi thi bao quát chương trình lớp 12, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

"Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức quán triệt quy chế, triển khai tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi cho các sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng và các trường đại học được giao phối hợp tổ chức thi, nằm sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi. Kết quả của kỳ thi được sử dụng cho hai mục đích nên hệ thống phần mềm phục vụ công tác thi và tuyển sinh được xây dựng liên thông sử dụng cùng cơ sở dữ liệu. Đặc biệt năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng cùng lúc với đăng ký dự thi nên hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh đã được hoàn thiện rất sớm.", đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tại họp báo.


Lê Vân- Kiều Hà/ Báo Tin Tức
Kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia
Kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia

Ngày 22/6, 866.000 thí sinh trên cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên với 2 môn Ngữ Văn và Toán. Đây là kỳ thi với rất nhiều đổi mới về cách thức tổ chức và hình thức nên thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN