Đây là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm qua, một phần do chất lượng dạy - học những môn này ở phổ thông còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, từ việc phân tích phổ điểm thi năm nay, một số chuyên gia cho rằng, kết quả môn Lịch sử, Tiếng Anh đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Số thí sinh đạt từ 8 điểm tăng
So với kỳ thi năm trước, điểm trung bình các môn Lịch sử, tiếng Anh năm 2019 đều tăng lên. Điểm trung bình môn Lịch sử năm nay là 4,3, tăng 0,51 điểm so với năm 2018 (3,79). Môn Tiếng Anh có điểm trung bình 4,36, tăng 0,46 điểm so với 2018 (3,9 điểm). Đáng lưu ý, tỷ lệ thí sinh từ 8 điểm trở lên của hai môn này cũng tăng lên.
Nếu năm 2018, môn Lịch sử có 4.226 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 0,75% tổng số bài thi môn này, đến năm 2019, số bài thi từ 8 trở lên là 12.472 bài, chiếm 2% tổng số bài thi. Môn Tiếng Anh năm 2018 có 22.046 bài thi đạt từ điểm 8 trở lên, chiếm 2,7%, năm nay có 47.077 bài thi đạt hơn và bằng điểm 8, chiếm 5,96%.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Phần lớn thí sinh dự thi môn Lịch sử (môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học xã hội) là để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông. Với mục đích như vậy, 70,01% thí sinh đã có điểm dưới trung bình. Trong khi đó, hầu hết thí sinh dự thi Lịch sử để xét tuyển Đại học đều đạt điểm trên 5.
Số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử thậm chí đứng thứ 3 trong số 9 môn thi, với 80 bài. Nhìn tổng quan hai kết quả này cho thấy, nguyên nhân một phần do chất lượng dạy - học ở bậc phổ thông, một phần do tâm lý học “thực dụng” - chỉ chú trọng học các môn xét tuyển đại học, đã tồn tại trong xã hội nhiều năm qua.
Với môn Tiếng Anh, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh được học theo Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm (học từ lớp 3 đến lớp 12) chiếm khoảng 10% số thí sinh dự thi năm nay. Đa số học sinh trên cả nước đang học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm, tức là chỉ học tiếng Anh chính thức từ năm lớp 6 đến lớp 12.
Số liệu tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, học sinh học Chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm có điểm trung bình cao hơn học sinh học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm là khoảng 2 điểm. Như vậy, nếu học sinh được học chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm, năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ được cải thiện đáng kể. Xét về khu vực, điểm thi môn học này của học sinh khu vực đô thị cao hơn khu vực nông thôn có nơi lên đến 1 điểm.
Cần đổi mới phương pháp dạy và học
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng: Nguyên nhân thực tế của việc môn Lịch sử nhiều năm bị điểm thấp vì phương pháp giảng dạy chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, bản thân các em cũng chưa hứng thú học tập. Môn Tiếng Anh bên cạnh lượng lớn điểm dưới trung bình vẫn có nhiều điểm từ 8 trở lên, phản ánh sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa vùng thành thị với nông thôn.
Theo cô Nguyễn Thị Hợp, giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã bám sát đề thi mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 12/2018, là cơ sở tốt để học sinh trên cả nước định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. So sánh đề thi và điểm thi hai năm 2018, 2019, cô Hợp đánh giá, điểm thi năm 2019 phản ánh đúng năng lực tiếng Anh của học sinh cả nước.
Kết quả này cũng không nằm ngoài tiên lượng khi rà soát sự phân bổ độ khó của các câu hỏi thi. Trong đó, tỷ lệ câu khó, rất khó chiếm khoảng 30% số câu hỏi thi, những câu còn lại có độ khó phân bổ đều từ bậc 1 (A1) đến bậc 3 (B1). Những câu hỏi khó và rất khó là những câu giúp phân loại thí sinh khá giỏi cho mục tiêu xét tuyển vào đại học, là mục tiêu đề thi năm nay đã thực hiện rất tốt với số thí sinh đạt trên 8 điểm và đặc biệt với số thí sinh đạt trên 9 điểm.
Cô Hợp cũng chia sẻ: Một nguyên nhân nhìn từ phổ điểm năm nay là sự khác biệt giữa học sinh khu vực đô thị - khu vực nông thôn miền núi. Làm thế nào để sự chênh lệch điểm này được giảm bớt cần sự tham gia vào cuộc của nhiều người, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các thầy cô, các bậc phụ huynh và của chính các em. Tiếng Anh là ngôn ngữ giúp mở rộng, cập nhật kiến thức của nhân loại, đây là động lực giúp học sinh có ý thức tự thân học môn học này. Nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của học sinh qua các năm, cô Hợp tin rằng năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn.
Từ thực tế điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 của môn Lịch sử, Tiếng Anh, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học hai môn học này. Tuy nhiên, công việc này cũng cần thời gian, sự nỗ lực đổi mới tâm lý, cách dạy - học của cả đội ngũ thầy cô giáo, học sinh.