Xác định cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học là yếu tố quan trọng để gỡ khó cho giáo dục vùng biên, vùng khó khăn, ngành giáo dục huyện Ngọc Hồi đã tiến hành xây dựng mới thêm 7 phòng học; cải tạo, sửa chữa bếp ăn bán trú, khu hiệu bộ, thư viện tại các trường, với kinh phí hơn 41 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã đầu tư mua sắm mới gần 800 bộ bàn ghế học sinh cho các cấp học, với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh mua sắm mới, huyện còn sửa chữa hơn 1.170 bộ bàn, ghế các loại với kinh phí 600 triệu đồng; mua sắm mới bàn ghế học sinh với kinh phí 800 triệu đồng; mua sắm sách giao khoa, thiết bị thư viện cho 2 trường với kinh phí 200 triệu đồng.
Kon Tum luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ trang thiết bị dạy - học cho các điểm trường ở vùng sâu, vùng biên giới, khó khăn. Ảnh: baochinhphu.vn |
Bà Trần Thị Phụng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017 đạt thành tích cao, huyện đã tích cực huy động mọi nguồn lực, nguồn kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đầu tư mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, huyện có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, tăng cường đổi mới giáo dục, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, phấn đấu 100% trẻ, học sinh được đến trường. Đến nay, cơ bản công tác chuẩn bị cho năm học mới của huyện đã hoàn thành và sẵn sàng cho năm học mới.
Học sinh ở thôn Đắk Mê, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hân hoan đến trường. Ảnh: bandantoc.kontum.gov.vn |
Với huyện nghèo 30a Tu Mơ Rông, bằng các nguồn kinh phí, huyện đã đầu tư trang bị một phòng học vi tính và 400 bộ bàn ghế học sinh, 45 bộ bàn ghế giáo viên; trang bị sách giáo khoa và vở viết cho hơn 4.600 học sinh hộ nghèo. Huyện cũng xã hội hóa được hơn 12.000 bộ sách giáo khoa, vở viết, 500 suất học bổng, với tổng giá trị hơn 750 triệu đồng.
Học sinh bán trú ở Kon Tum được các thầy cô kèm học. Ảnh: konray.kontum.gov.vn |
Công tác huy động học sinh các cấp ra lớp đạt tỉ lệ 100% cũng được ngành giáo dục tỉnh Kon Tum triển khai một số giải pháp tích cực như: Phân công cán bộ, giáo viên thực hiện tốt việc tuyên truyền, phối hợp với các đoàn thể, già làng, trưởng bản, ban đại diện cha mẹ học sinh để huy động học sinh đi học ngay những ngày tựu trường đầu tiên; đưa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào ngay trong những ngày tựu trường, nhằm giúp học sinh mới đến trường, học sinh bước vào đầu cấp học không phải bỡ ngỡ và đảm bảo huy động hết trẻ trong độ tuổi ra lớp.