Nhu cầu nhiều, nguồn tuyển ít
Để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới, ngay từ những tháng hè, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có thông báo tuyển dụng gần 5.000 giáo viên. Theo đó, ở khối mầm non cần hơn 1.500 giáo viên, khối tiểu học hơn 1.400 giáo viên, khối THCS gần 1.300 giáo viên, khối THPT và Giáo dục thường xuyên cần hơn 400 giáo viên và khối Trung cấp chuyên nghiệp cần 93 giáo viên. Tuy nhiên, dù đã bước vào đầu năm học mới, nhiều quận, huyện vẫn đang phải ráo riết tìm nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt ở các bậc mầm non và tiểu học. “Năm nào cũng thế, cứ đến mùa tuyển giáo viên chúng tôi vô cùng áp lực. Giáo viên chắc chắn sẽ không tuyển đủ trong khi số lượng trẻ nhỏ, học sinh gia tăng theo từng năm", ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Tân, chia sẻ.
Thiếu giáo viên khiến cho công tác giảng dạy và tuyển sinh gặp khó khăn. |
Theo Phòng Giáo dục quận Bình Tân, trong năm học này toàn quận tăng gần 8.000 học sinh, trong đó mầm non tăng gần 2.300 bé, tiểu học tăng 1.700 em; THCS tăng 2.700 học sinh và THPT tăng gần 1.400 học sinh. Trước tình trạng số lượng học sinh gia tăng và số phòng học mở rộng, để đảm bảo cho năm học mới, quận Bình Tân có kế hoạch tuyển dụng 28 giáo viên chuyên biệt, 123 giáo viên tiểu học và 188 giáo viên THCS. Riêng khối mầm non, quận sẽ tuyển 253 giáo viên nhưng hiện tại mới có gần 50 hồ sơ nộp vào.
Còn ở quận Thủ Đức, trong năm học này quận có nhu cầu tuyển 105 giáo viên nhưng chỉ có 80 ứng viên dự tuyển. Riêng đối với giáo viên ở bậc mầm non, quận cần tuyển thêm 94 giáo viên nhưng đến nay chỉ mới nhận được khoảng 50 hồ sơ đăng ký. Hay ở quận Tân Bình, bậc mầm non cần tuyển thêm 10 nhân viên cấp dưỡng nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ đăng ký.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển dụng giáo viên, theo ông Ngô Văn Tuyên, sinh viên theo học ngành sư phạm chủ yếu là sinh viên ở các tỉnh, không có hộ khẩu thường trú tại thành phố trong khi yêu cầu tuyển dụng phải có hộ khẩu thành phố. Bên cạnh đó, các trường lại đào tạo nhiều ở một số môn có nhu cầu tuyển dụng không cao như toán, lý, hóa...
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, ở bậc tiểu học đối với những môn năng khiếu như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật... năm nào thành phố cũng cho phép tuyển giáo viên diện KT3 nhưng năm nào cũng thiếu bởi nguồn đào tạo đội ngũ này ở các trường sư phạm khá hạn chế. Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, ngành sư phạm ra trường vất vả, thu nhập chưa cao, nhất là ở bậc mầm non nên sinh viên đua nhau học những ngành thiên về kinh tế.
Điều chuyển giáo viên giữa các quận, huyện
Năm học 2016 - 2017, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,5 triệu học sinh, tăng 59.158 học sinh so với năm học 2015 - 2016. Các quận, huyện tăng nhiều là quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, dự kiến số phòng học mới đưa vào đến ngày 5/9/2016 là 2.029 phòng (tăng thêm 1.486 phòng), trong đó bậc mầm non có 747 phòng học mới, tiểu học 672 phòng, THCS 501 phòng, THPT 69 phòng và các khối khác 40 phòng.
Cùng với số lượng trường lớp mới được đưa vào sử dụng, việc đảm bảo đủ giáo viên là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trước tình hình thiếu giáo viên như hiện nay, nhiều trường và nhiều quận, huyện đã không dám sử dụng hết công suất tuyển sinh hoặc một thầy cô phải kiêm nhiệm thêm nhiều lớp và nhiều môn học khác.
"Thiếu phòng học thì có thể sắp xếp được còn thiếu giáo viên thì rất khó. Nhà trường đang thiếu giáo viên tin học, âm nhạc và thể dục nhưng lại không thể tuyển được bởi trường đã đủ biên chế. Để giải quyết khó khăn này, trước mắt trường sẽ giao cho giáo viên dạy tiếng Việt kiêm luôn dạy nhạc. Còn môn tin học thì trường chưa thể tổ chức dạy được vì không có giáo viên và cũng không có phòng dạy", lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh (xin giấu tên), chia sẻ.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Bình Tân, năm học 2016 - 2017 quận có 6 trường mới thành lập, cộng thêm các trường thực hiện giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi và việc tuyển đủ 253 giáo viên là không thể, bắt buộc các trường phải giảm mở lớp. Chẳng hạn, trường Mầm non Đỗ Quyên có thể mở được 20 lớp với 600 em nhưng lo sợ tuyển không đủ giáo viên nên trong đợt bán hồ sơ tuyển sinh vừa rồi nhà trường chỉ mới mở khoảng 10 lớp với 300 hồ sơ. Hay ở trường Mầm non Mai Vàng cũng chỉ bán 150 hồ sơ rồi dừng, trong khi khả năng tiếp nhận của trường có thể nhiều hơn nữa.
“Quận sẽ cố gắng đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới. Nếu một số trường không đủ giáo viên thì sẽ dạy tăng lớp, tăng tiết. Bên cạnh đó, nếu ở bậc tiểu học, THCS, giáo viên mà thiếu thì các trường có thể giảm lớp 2 buổi, sử dụng giáo viên về hưu, hợp đồng. Còn riêng đối với bậc mầm non nếu không tuyển đủ giáo viên thì sẽ không mở thêm lớp, bởi ở mầm non đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, trách nhiệm lớn nên công tác tuyển dụng giáo viên cũng có những yêu cầu cao hơn”, ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.
Để giải quyết khó khăn cho các trường, theo ông Lê Hồng Sơn, Sở đã có kế hoạch điều chuyển giáo viên từ những khu vực có nguồn tuyển phong phú sang những quận, huyện có điều kiện hạn chế hơn. Trong đó, Sở sẽ tập trung ở các đơn vị thuộc huyện ngoại thành và vùng ven, nơi có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư mật độ cao. Theo đó, có thể thực hiện công tác điều chuyển hoặc san sẻ hỗ trợ giữa các quận, huyện với nhau để đảm bảo công tác giảng dạy của các trường.