Chất lượng cử tuyển còn hạn chế
Để thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện 2 nội dung chính: Rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương; Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người DTTS, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DTTS.
Thông tin về kết quả thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Ở các địa phương, chính sách hỗ trợ đào tạo đã được quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ. Một số bộ, ngành và địa phương đã xây dựng những tiêu chí tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức hướng tới thu hút nhân tài là sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi người DTTS.
Cùng với các chính sách của Bộ GD&ĐT và nỗ lực của địa phương, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quy hoạch, củng cố và phát triển, tạo điều kiện cho học sinh DTTS được học tập trong điều kiện ngày càng tốt hơn. Cả nước hiện có 316 trường dân tộc nội trú, với 109.445 học sinh; 1.127 trường, với 237.171 học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra thực tế của vấn đề cử tuyển đang gặp phải như: Số lượng học sinh cử tuyển ngày càng giảm, chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo cử tuyển còn hạn chế, đặc biệt tình trạng học sinh, sinh viên diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm đã làm cho hiệu quả của chính sách bị giảm sút.
Trong khi đó, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người DTTS chưa được ban hành cụ thể nên chưa tạo ra đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS miền núi.
Phải đảm bảo chuẩn
Để khắc phục thực tế này, Bộ GD&ĐT phân tích rất kỹ và đưa vào 2 Điều trong Luật Giáo dục 2019. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS. Dự thảo Nghị định tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong chính sách cử tuyển.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, miền núi phải thay đổi, trong đó, bên cạnh những nhóm ngành "truyền thống" như y tế, giáo dục, nông lâm nghiệp, cần tăng cường những nhóm ngành về kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật... Thầy cô trưởng thành từ thôn bản, được đào tạo bài bản, sau đó quay về công tác tại địa phương sẽ rất hiệu quả, tạo sự ổn định, lâu dài.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh việc phải kiên quyết đảm bảo chất lượng đào tạo. “Vì cử tuyển hay thu hút thì cũng phải đảm bảo chuẩn, không vì bất cứ lí do gì để hạ chuẩn hay du di. Cùng với đó là tạo điều kiện để học sinh được chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trước khi vào học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, còn chính sách tuyển dụng thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ và địa phương thực hiện. Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết vấn đề này.