Không được từ chối hồ sơ của học sinh tốt nghiệp các trường quốc tế

Trước thông tin một số trường đại học (ĐH) từ chối nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam, trả lời báo chí, ông Ngô Kim Khôi (ảnh), Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) khẳng định, các trường phải có trách nhiệm nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh, không được từ chối vì bất cứ lý do gì.

´Hiện nay, có một số trường ĐH từ chối nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam, như vậy có đúng với quy định hiện hành không, thưa ông?

Theo quy định tại Điều 7 của Quyết định số 77/2007/QĐ - BGDĐT, thì văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận, có giá trị pháp lý làm căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

Mặt khác, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, thì: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế, nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp,…”.

Như vậy, thí sinh là học sinh đã học và tốt nghiệp THPT tại các trường quốc tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, khi nộp hồ sơ ĐKDT tuyển sinh, văn bằng tốt nghiệp đã được Sở GD - ĐT công nhận, thì hồ sơ ĐKDT là hợp lệ, các trường có trách nhiệm nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh, không được từ chối vì bất kỳ lý do nào.

´Xin ông cho biết, Bộ GD – ĐT đã có văn bản nào quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa?

Ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã ký ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ - BGDĐT về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được áp dụng đối với bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

´Văn bằng sau khi được công nhận có giá trị thế nào, thưa ông?

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

´Vậy văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp nào?

Văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp sau đây: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng; Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

´Để được công nhận văn bằng, người học cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì?

Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm: Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; Một bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; Một bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

Ngoài ra, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; ...

´Trường hợp, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhận và thẩm quyền công nhận, nói riêng đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông sẽ thế nào?

Nếu văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhận văn bằng đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông nói riêng được quy định như sau: Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật của người có văn bằng hoặc người được ủy quyền, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hai bộ hồ sơ tới sở GD - ĐT; Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sở giáo dục và đào tạo cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ; nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ. Đồng thời, trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị.

Giám đốc sở GD - ĐT công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông. Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, sở GD - ĐT phải trả lời bằng văn bản cho người đề nghị.

Xin cảm ơn ông!

Lê Vân (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN