Kết nối mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên học nghề

Những năm gần đây, nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông tại Kiên Giang ngày càng tăng cao.

Chú thích ảnh
Học viên Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Ảnh: dtnt.edu.vn

Theo đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã mở thêm một số ngành nghề phù hợp với nhu cầu người học và thị trường lao động, đồng thời không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình gắn với việc kết nối mở rộng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường.

Chọn học nghề để sớm có việc làm

Là cơ sở đào tạo có nhiều học sinh dân tộc Khmer theo học nghề ở tỉnh, mỗi năm Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cấp bằng Trung cấp cho trên 300 học sinh và đào tạo cho khoảng 2.000 học viên cho các huyện, thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Anh Thạch Minh Nghiêm, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Thú y tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, anh đã có việc làm và nguồn thu nhập ổn định với hơn 200 triệu đồng/năm. Trước đây, anh Nghiêm có hoàn cảnh khó khăn nên sau tốt nghiệp lớp 12, anh về phụ gia đình làm nông nghiệp một thời gian và có hơn 1 năm đi làm lao động tự do. Nhận thấy thị trường lao động ngày càng khó khăn và đòi hỏi người lao động phải có tay nghề, có bằng cấp sẽ dễ kiếm việc làm ổn định với mức thu nhập tốt hơn nên anh Nghiêm đăng ký học ngành Thú y.

“Tuy không may mắn như các bạn cùng thời được học đại học, nhưng tôi cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại, đó là đi làm nhân viên cho một công ty chăn nuôi thú y và mở gia trại chăn nuôi lợn, nuôi gà tại nhà. Tôi đi làm thu nhập từ 6 - 7 triệu/tháng, còn gia trại mỗi năm cũng lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Nơi tôi đi làm cũng được nhà trường kết nối, giới thiệu. Vì vậy, tôi luôn tự hào và nhớ ơn nhà trường đã giúp tôi có nghề và cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn”, anh Nghiêm chia sẻ.

Em Danh Đặng, ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành cho hay, do gia đình ít đất ruộng sản xuất, cha mẹ em đi làm thuê, thu nhập bấp bênh nên sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, em đăng ký học song song chương trình Trung học Phổ thông và học trung cấp ngành Lễ tân tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Hiện tại, Đặng đã hoàn thành chương trình lớp 10 và năm nhất ngành Lễ tân và đi làm thêm ở một số nhà hàng, khách sạn ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành.

“Ban đầu em cũng khá lo lắng, bởi không biết học ngành Lễ tân ra trường có dễ xin việc hay không. Tuy nhiên, sau nửa năm nhất khi được đào tạo một số môn học cơ bản, có được các kỹ năng, kiến thức, em được nhà trường giới thiệu làm thêm ở một số nơi để có thêm thu nhập phụ gia đình. Giờ đây em và gia đình cảm thấy yên tâm vì chương trình đào tạo rất sát với thực tế và một số công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn đã liên kết với nhà trường gặp gỡ, tư vấn, nhận học sinh thực tập và nếu mình thể hiện tốt sẽ được nhận làm khi ra trường”, em Danh Đặng cho hay.

Tăng cường kết nối tạo việc làm cho sinh viên

Theo ông Ngô Văn Ngàn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, qua 14 năm thành lập, đến nay, trường đào tạo gần 33.000 lượt học viên. Trong đó, gần 4.500 học viên trung cấp, trên 6.000 học viên sơ cấp. Học sinh trung cấp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85% trở lên.

Theo ông Ngàn, để nâng cao tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường thường phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhà tuyển dụng lao động và một số công ty, doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng. Qua đó, có trên 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân từ 5 - 12 triệu đồng/tháng.

“Thời gian tới, trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, đào tạo để nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện; đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp của giáo viên, học sinh; tăng cường và mở rộng kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đào tạo theo đơn đặt hàng, cũng như tổ chức các buổi tư vấn, tuyển dụng việc làm cho học sinh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh”, ông Ngàn cho biết thêm.

Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Kiên Giang được xem là địa chỉ đào tạo uy tín, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lao động xã hội trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, trường đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 3.400 người; đào tạo sơ cấp và thường xuyên gần 5.000 người. Học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%.

Là cựu sinh viên ngành kỹ thuật Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng Kiên Giang, anh Trần Quốc Huy, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành cho hay, sau khi nhận bằng tốt nghiệp đầu năm 2020, anh đi làm nhân viên kỹ thuật cho một cơ sở kinh doanh các mặt hàng điện tử ở phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá đến nay. Ngoài ra, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, anh Huy nhận làm vệ sinh, sửa chữa máy giặt, tủ lạnh cho hơn 30 hộ gia đình ở thị trấn Minh Lương.

“Chỗ làm của tôi được giáo viên giới thiệu đến thực tập và họ nhận tôi vào làm ngay sau khi ra trường. Hiện tại, ngoài lương cứng 5 triệu đồng/tháng, tôi còn nhận thêm khoản tiền sản phẩm từ 4-5 triệu đồng/tháng và tôi đi làm thêm cho các hộ gia đình cũng được khoảng 8 triệu/tháng. Với nguồn thu nhập này đủ để tôi tự lo cho bản thân và phụ lo cùng gia đình một số khoản chi phí sinh hoạt hằng tháng", anh Trần Quốc Huy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Quân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường thường xuyên rà soát, cải tiến các chương trình và mời đại diện doanh nghiệp tham gia thẩm định, góp ý đối với các chương trình đào tạo. Trường cải tiến chương trình đào tạo cao đẳng theo đúng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu; cải tiến chương trình môn học theo hướng nội dung giảng dạy phải có tính ứng dụng vào công việc thực tế.

Cùng với đó, trường quan tâm đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bảo đảm tốt hoạt động học tập, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng, tay nghề của sinh viên. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo xu hướng hiện đại. Đồng thời, tăng cường kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để sinh viên được học tập, đi thực tế, thực hành tại doanh nghiệp và mở rộng đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang, hằng năm, tỉnh tuyển sinh, đào tạo khoảng 24.000 người; giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động. Tập trung tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề thế mạnh gồm du lịch, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, ô tô; xây dựng, nuôi trồng thủy sản… Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 72%, riêng lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51,5%.

Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh còn không ít hạn chế, khó khăn như: công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề có tăng nhưng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp.

Hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thu hút được doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia. Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chú trọng vào xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo với các yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; thiếu sự quan tâm khuyến khích người lao động nâng cao kiến thức, trình độ; thiếu kế hoạch đào tạo bổ sung tiếp theo, nhằm phát huy tối đa năng lực của người lao động.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt chất lượng, hiệu quả hơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang Đặng Hồng Sơn cho biết, Sở sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề hàng năm nhằm ổn định, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; thường xuyên thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các doanh nghiệp để định hướng đào tạo nghề và cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

“Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đặc biệt thông qua hoạt động sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động để kết nối cung - cầu lao động. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm”, ông Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh.

Văn Sĩ (TTXVN)
Nhiều cơ hội việc làm với ngành Tâm lý học Giáo dục
Nhiều cơ hội việc làm với ngành Tâm lý học Giáo dục

Tâm lý học Giáo dục là lĩnh vực thế giới đang coi trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì những ảnh hưởng tiêu cực đang tác động đến mỗi cá nhân, gây nên những khó khăn tâm lý, thái độ, hành vi lệch chuẩn ở một bộ phận người lớn và trẻ nhỏ. Cùng phóng viên báo Tin tức trao đổi với TS. Doãn Ngọc Anh, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN