Cụ thể, hơn 62.400 học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên toàn địa bàn thành phố sẽ làm bài thi tại 141 điểm thi, trong đó có 95 điểm thi đơn trường, 46 điểm thi liên trường. Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Riêng học sinh chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý). Đáng chú ý, học sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ Văn theo hình thức tự luận, còn các bài thi môn khác sẽ làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đợt khảo sát này được tổ chức giống như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 nằm trong kế hoạch của Sở GD – ĐT nhằm giúp học sinh tập dượt, làm quen với phương thức thi mới.
Buổi sáng ngày 20/3, thí sinh dự thi môn Ngữ văn với thời gian là 120 phút, bắt đầu làm bài từ 7 giờ 35 phút. Buổi chiều, thí sinh thi môn Toán, với thời gian là 90 phút, bắt đầu làm bài từ 14 giờ 30 phút.
Đề thi ngữ văn sáng 20/3. |
Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần. Phần I (3 điểm) gồm 4 câu nhỏ. Phần II (7 điểm) gồm 2 câu nhỏ. Trong đó, câu 1 yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về việc thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần làm gì để đáp lại tiếng gọi của non sông đất nước trong thời kỳ mới.
Nhiều thí sinh ở trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, đề thi không khó và các em đều hoàn thành bài thi.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã chỉ đạo các Hội đồng thi, phân công giáo viên coi thi, chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, chấm bài thi khảo sát sẽ đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy chế của Kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả kiểm tra của các cụm thi gửi về, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức chấm thẩm định xem các trường chấm như thế nào. Đặc biệt, tùy theo điều kiện của từng trường có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo qui định.
Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, đợt khảo sát này là dịp để học sinh tập dượt, làm quen trước khi chính thức bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Kết quả khảo sát là kênh thông tin để các trường, cha mẹ học sinh, thầy cô giáo thấy được chất lượng đào tạo thực chất, từ đó có hướng điều chỉnh, bổ sung và giúp đỡ học sinh với mục tiêu có kết quả tốt nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới. Đồng thời, qua đợt thi khảo sát này, các nhà trường và thầy cô giáo sẽ làm quen dần với công tác tổ chức thi tại các kỳ thi lớn như Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Đợt thi khảo sát sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 20- 22/3/2017).