Nhân dịp này, các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã chia sẻ những nội dung liên quan đến công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Ngôn ngữ Việt, con đường hướng tới quê hương
Theo đánh giá của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), trong 5 năm gần đây, nhu cầu học tiếng Việt, mong muốn được phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Các bậc phụ huynh ngày càng mong muốn con em mình có thể biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt, để ngôn ngữ Việt là con đường hướng tới quê hương.
Thái Lan là một trong những địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống và học tập. Nhiều gia đình người Việt đã sống tại Thái Lan đến thế hệ thứ 3 - 4. Do đó, công tác giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào Việt tại Thái Lan rất được chú trọng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Sớm, giáo viên dạy tiếng Việt tại tỉnh Na khon Pha nôm (Thái Lan) cho biết, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào tại Thái Lan luôn được đông đảo bà con hưởng ứng với phương châm “tiếng Việt còn thì người Việt còn”. Dẫn đầu phong trào này là cộng đồng Việt kiều tỉnh Udon Thani, nơi tập trung bà con Việt kiều đông nhất Thái Lan và tỉnh Na khon Pha nôm.
Các lớp dạy tiếng Việt tại các địa phương này đều do các thầy cô giáo cựu giáo viên Việt kiều tình nguyện tham gia giảng dạy, không lương với tinh thần phục vụ cộng đồng và tinh thần trách nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp và Hội người Việt Nam ở các địa phương thuộc Thái Lan, các cơ sở dạy tiếng Việt còn được trang bị bàn ghế và địa điểm học. Nhờ vậy, lớp học thu hút cả người lớn và con em người bản địa tới học tiếng Việt.
Ngoài học tiếng Việt, các cơ sở giảng dạy tiếng Việt còn tổ chức dạy nhiều bài hát, điệu múa của Việt Nam; tổ chức tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc Việt. Từ đó khơi dậy lòng đam mê yêu thích môn tiếng Việt và tìm hiểu về đất nước Việt Nam.
Nâng cao kiến thức tiếng Việt cho thế hệ trẻ
Chia sẻ về việc giữ gìn tiếng Việt ở Pháp, cô giáo Nguyễn Thị Sông Hương, giáo viên dạy tiếng Việt tại Cộng hòa Pháp cho biết, hiện nay có khoảng 300.000 người gốc Việt đang sinh sống, làm việc và học tập trên đất Pháp. Đây là một trong những cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất thế giới.
Những người Việt tại Pháp cho dù thường xuyên tiếp xúc với văn hóa Pháp nhưng vẫn gìn giữ văn hóa cổ truyền Việt Nam, quan tâm đến việc truyền thụ và phát triển văn hóa và ngôn ngữ cho con cháu mình. Nhờ vậy, việc dạy và học tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt tại Pháp vẫn được duy trì và phát triển.
Hiện nay, tiếng Việt được dạy một số cơ sở chính quy của Pháp như Ban Việt học (Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông của Trường Đại học Paris VII), Viện Nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Trường Trung học Jean de La Fontaine, quận XVI và một số cơ sở dạy tiếng Việt do các hội, đoàn của Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Tại trường Jean de la Fontaine, tiếng Việt được dạy từ năm 1995 như ngoại ngữ chính. Ngay từ lớp 6, những học sinh đã theo học tiếng Việt đều có thể chọn tiếng Anh và tiếng Việt là ngoại ngữ chính. Các học sinh cũng có thể chọn tiếng Việt là môn ngoại ngữ khi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tại các đơn vị, đông đảo trẻ em Việt kiều tại Pháp đã theo học và được trang bị nhiều kiến thức bổ ích về ngôn ngữ Việt.
Cô giáo Nguyễn Thị Sông Hương cho rằng, việc học tiếng Việt tại các cơ sở chính quy cũng là một lợi thế mà các gia đình Việt Nam ở nước ngoài nên tận dụng và phát huy. Điều này không chỉ góp phần nâng cao kiến thức của thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài về ngôn ngữ Việt mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của họ.
Khuyến khích giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Cô giáo Đồng Thị Dung giáo viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) có kinh nghiệm 4 năm tham gia giảng dạy tiếng Việt tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm gia đình di dân mới và các trường đại học cho biết, tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếng Việt là môn học cộng thêm điểm nhưng các học sinh có thể lựa chọn rất nhiều môn học khác. Do đó, đa phần các học sinh học tiếng Việt vì hiếu kỳ chứ không có sự đam mê thực sự. Tuy nhiên, các khóa học chỉ ngắn hạn. Các khóa dài hạn không thu hút được nhiều học viên. Sau khi kết thúc khóa học, người học không có môi trường sử dụng rộng rãi tiếng Việt.
Về tài liệu giảng dạy, tại các hiệu sách Đài Loan (Trung Quốc) có rất nhiều sách dạy tiếng Việt, đa phần do các thầy cô giáo người Việt tự biên soạn, nhưng chưa được phân loại sách phù hợp với lứa tuổi, trình độ và phù hợp với từng khóa học.
Cô giáo Đồng Thị Dung cho rằng, các giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên họ yên tâm cống hiến cho nghề. Các tài liệu giảng dạy cần được thống nhất cho tất cả các cơ sở. Sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền và có sách dành riêng cho giáo viên. Quan trọng hơn cả, các giáo viên cần được bổ sung thêm nhiều kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục truyền thống Việt Nam thông qua các khóa tập huấn về giảng dạy tiếng Việt, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương tới bạn bè năm châu.