Các trường học trên địa bàn thành phố đều chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch, xử lý kịp thời khi có ca mắc COVID-19 tại trường.
Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương (quận Hải Châu) Hồ Ngọc Hưng cho hay, trước khi tổ chức đi học lại, nhà trường đã triển khai các phương án, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch của Sở Y tế và thông điệp 5K.
Sau một tuần đi học lại, học sinh đều tuân thủ nguyên tắc phòng dịch nhà trường đề ra như đeo khẩu trang kể cả trong giờ học lẫn lúc ra chơi, rửa tay sát khuẩn mỗi khi vào trường và lớp học, hạn chế tiếp xúc gần với bạn bè, giáo viên… Những việc này đã trở thành thói quen của mỗi học sinh, được cô thầy nhắc nhở thường xuyên trong mỗi giờ lên lớp. Ngoài ra, trường chuẩn bị biện pháp phòng dịch nếu có ca mắc COVID-19.
Hiện nay, nhà trường đã tổ chức ổn định chương trình học, hoàn thành kiểm tra giữa kỳ với học sinh khối 8,9. Học sinh và phụ huynh yên tâm hơn khi đến trường, tỷ lệ học sinh đi học đạt 97%.
Sau khi tổ chức cho học sinh đi học lại khoảng 3 tuần, ngày 8/12, Trường Trung học Phổ thông Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) ghi nhận 2 học sinh mắc COVID-19.
Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hoàng Hoa Thám cho hay, sau khi phát hiện trường hợp F0, nhà trường đã kịp thời đưa các em vào phòng cách ly riêng và gọi cơ sở y tế gần nhất đến xử lý. Sau đó, nhà trường rà soát trường liên quan để có phương án phòng dịch (ghi nhận 9 trường hợp F1 là giáo viên và một số học sinh). Nhà trường đã khẩn trương thông báo để học sinh nghỉ học, tạm thời dạy trực tuyến. Khi nào có kết quả âm tính của các trường hợp F1, các học sinh là F2 mới đi học lại.
Cùng cách xử lý như Trường Trung học Phổ thông Hoàng Hoa Thám, khi ghi nhận trường hợp giáo viên dạy tiếng Anh mắc COVID-19 ngày 1/12, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (quận Hải Châu) đã kịp thời cho nghỉ học 4 lớp, cách ly F1 tại nhà và tổ chức học trực tuyến cho 4 lớp này.
Mặc dù chưa được tiêm vaccine nhưng do là học sinh khóa đầu, các em lớp 1 sẽ khó khăn trong việc học trực tuyến. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng cho phép học sinh lớp 1 đi học lại (ngoại trừ các địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao).
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) chia sẻ, để đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh lớp 1, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên đón trả học sinh vào đầu và cuối giờ; không để phụ huynh vào trường học, trong trường hợp cần phải quét mã QRcode mới cho phụ huynh vào; quản lý chặt học sinh trong giờ giải lao. Cùng với đó, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện 5K, mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phòng học, nhắc nhở phụ huynh không cho học sinh có biểu hiện mắc COVID-19 đi học. Nhà trường chuẩn bị một phòng cách ly đảm bảo thiết bị y tế, có chỗ nghỉ ngơi, thức ăn, nước uống... trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho hay, hiện chỉ có 50% học sinh lớp 1 đến trường, nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại về dịch bệnh.
Theo thầy Phong, học sinh lớp 1 kiến thức học không nhiều, chủ yếu học kĩ năng, nhất là kĩ năng viết. Nếu không đi học trực tiếp các em rất khó tiếp thu nội dung này. Ví dụ như nếu tư thế cầm bút không tốt, lên lớp lớn không thể viết nhanh được.
Chị Đoàn Thị Thanh Tâm (có con học lớp 1 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Tôi rất yên tâm về công tác phòng dịch của nhà trường. Sau một tuần đi học, con tôi đã tiếp thu bài tốt và có nền nếp hơn trong việc học".
Theo chị Đoàn Thị Thanh Tâm, việc học trực tuyến ở nhà của con kém hiệu quả hơn khi đi học trực tiếp, đặc biệt là các kỹ năng viết, đọc. Bởi cháu còn nhỏ chưa sử dụng được máy tính thành thạo, ba mẹ đi làm không có thời gian để theo dõi con.
Trái ngược với chị Tâm, anh Lê Hữu Tiến (phụ huynh học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) chưa cho con đi học do lo sợ dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu và những người xung quanh. Anh Tiến cho rằng, cho con đi học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn với việc học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh. Con anh chưa tiêm vaccine nên việc cho con đi học gia đình đang cân nhắc.
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều của phụ huynh học sinh lớp 1 khi cho con đi học trở lại. Vì vậy, ngành Giáo dục cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bậc phụ huynh. Nếu phụ huynh còn lo lắng, không an tâm thì xem xét cho học sinh học trực tuyến tại nhà.
Khác với sự lo lắng của học sinh lớp 1, các em khối lớp 8,9,10,11,12 đã được tiêm vaccine nên có tâm lý thoải mái, yên tâm hơn khi đến trường.
Em Đoàn Ngọc Hải, học sinh lớp 12/12 Trường Trung học Phổ thông Trần Phú chia sẻ, vì là học sinh cuối cấp, nhiều kiến thức phải được cô thầy giảng dạy trực tiếp mới nắm chắc được nên khi được đi học lại em cảm thấy rất vui. Công tác phòng, chống dịch của nhà trường được tổ chức nghiêm ngặt, em luôn chấp hành nghiêm 5K.
Quán triệt, chỉ đạo việc đảm bảo an toàn phòng dịch tại các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản 3602/SGDĐT-CTrTT. Trong đó, Sở yêu cầu các trường học tại phường, xã cấp độ 3 (màu cam) chưa (dừng) tổ chức dạy học trực tiếp. Những trường ở phường, xã ở cấp độ 1, cấp độ 2 nhưng đang thuộc mức độ 3 trở lên (theo tiêu chí 1) chưa tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 1.
Ngoài ra, các trường tiểu học xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1 và định kì 7 ngày/lần. Các trường khuyến nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên trong quá trình giảng dạy, làm việc trực tiếp tại trường hạn chế tối đa việc đi đến nơi tập trung đông người; tự theo dõi sức khỏe; khai báo với nhà trường cũng như chính quyền địa phương khi có triệu chứng nghi ngờ liên quan đến COVID-19…