Đồng loạt thông báo tăng học phí
Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) vẫn được được miễn học phí.
Các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.
Là một trong những trường đại học thông báo tăng học phí sớm nhất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí theo các mức: Chương trình Đào tạo chuẩn, dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm; Chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Các chương trình, học phí dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt – Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x). Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động từ 45 - 50 triệu đồng/năm; Chương trình Đào tạo quốc tế dao động từ 55 - 65 triệu đồng/năm, Chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) dao động từ 80 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến tăng học phí ở khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu cho năm học 2022 - 2023 tương đương 42 triệu đồng, năm học 2023 - 2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024 - 2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025 - 2026 là 48 triệu đồng. Như vậy, mức học phí năm học 2022 - 2023 so với năm trước đã tăng thêm 24,5%.
Học phí tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh với chương trình chất lượng cao, tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh được thu theo Đề án định mức Kinh tế - Kỹ thuật của nhà trường. Dự kiến, học phí chương trình chất lượng cao năm 2022 - 2023 là 72 triệu đồng/năm và năm 2023-2024 là 80 triệu đồng/năm. Đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật, học phí dự kiến năm 2022 - 2023 là 55 triệu đồng/năm và 2023 - 2024 là 60 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tăng học phí ngành khoa học xã hội từ 16 - 20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21 - 24 triệu đồng/sinh viên/năm học. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến áp dụng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 từ 41 triệu đồng đến gần 44,5 triệu đồng. Với mức thu này trường tăng khoảng 12 triệu so với năm trước.
Đây là năm thứ hai, học phí Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng cao. Năm 2020, sinh viên có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh đóng 14,3 triệu đồng; hộ khẩu ngoài TP Hồ Chí Minh đóng 28,6 triệu đồng.
Lộ trình tự chủ
Theo lý giải của các trường đại học, việc học phí tăng dựa theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021 (Nghị định 81).
Mức thu các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Học phí được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và năng lực ngoại ngữ.
Về lộ trình tăng học phí giai đoạn 2020 - 2025, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Đề án học phí của trường theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành. Đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8%/năm. Thu chi thế nào đều được thông báo tới người học”.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các trường đại học tăng học phí theo Nghị định 81 là: Học phí năm học 2021 - 2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm 2020-2021. Từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.
Theo đó, từ năm học 2022, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và Công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).
Theo cách tính mới này, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 3 - 10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 20,2 triệu đồng/năm.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với học phí đại học.