Hệ lụy bạo hành tinh thần trong trường mầm non - Bài cuối

Một trong những vấn đề được nhiều nhà quản lý, hoạch định chia sẻ là vấn đề quản lý các nhóm lớp, cơ sở tư nhân. Đây là một nỗi lo khôn nguôi của những người làm quản lý giáo dục trước những chế tài của ngành còn chưa chặt chẽ.

QUẢN LÝ PHẢI THEO KỊP THỰC TẾ

Để quản lý các cơ sở mầm non, nhiều địa phương đang có nhiều sáng kiến để tạo môi trường làm việc lành mạnh, cải thiện đời sống của giáo viên. Đây là giải pháp để trẻ được đến trường trong vui vẻ và hạnh phúc.

Tránh áp đặt trong chương trình

Bà Chung Bích Phượng, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong những năm gần đây, căn cứ vào những quy định của Bộ GD - ĐT và những khảo sát từ tình hình thực tế của Thành phố, Sở GD - ĐT đã có những hướng dẫn chi tiết trong hoạt động giáo dục mầm non. Những hướng dẫn này nhằm hướng tới hoạt động vui vẻ cho cả cô giáo và trẻ trong trường. Cụ thể, tại quận Tân Phú, không một trường, nhóm lớp nào có sự ép buộc là giờ nào là giờ chơi, giờ nào học. Tất cả đều dựa trên năng lực của trẻ để cô giáo có thể truyền đạt một cách tốt nhất. Như vậy, giải tỏa được phần nào sự áp đặt lên giáo viên, mà vẫn đáp ứng chương trình. Tiếp theo, người quản lý cần có cách quản lý mở, không sai nguyên tắc nhưng cũng không đóng với giáo viên. Về cơ bản, cần tạo cơ chế thoáng từ trên xuống dưới, nhưng không sai về nguyên tắc quản lý nhà nước và chuyên môn”.

Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo Ths Nguyễn Thị Mỹ Dung, ĐH Sư phạm Hà Nội, giải pháp trước mắt là tăng cường năng lực giáo viên, thông qua đó lồng ghép được các nội dung giáo dục. Phải xây dựng môi trường sư phạm, xây dựng môi trường tạo hứng thú cho giáo viên.

Chia sẻ về những áp lực của giáo viên mầm non, trong đó có một phần chương trình học, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT cho biết: “Trong hai năm trở lại đây vào những dịp tập huấn, Bộ luôn nhấn mạnh việc không áp đặt trong chương trình học. Vì vậy địa phương, nhà trường hoàn toàn linh động trong chuyện này”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Minh đã từ chối khi được hỏi về những thực trạng mà PV đã điều tra được trong trường mầm non. Bởi theo như ông Minh lý giải thì “Giáo viên mầm non khá áp lực bởi nhiều phía, từ thời gian làm việc nhiều, từ xã hội, phụ huynh, thu nhập... Nên Bộ GD - ĐT đang cùng với các đơn vị quản lý tìm ra phương cách trong bối cảnh hiện tại để hài hòa giữa công việc của giáo viên và chương trình học. Việc lắp đặt camera giám sát đồng bộ là tùy vào điều kiện của trường cũng như phụ huynh. Kinh phí này không thể từ ngân sách được”.

Giám sát chặt việc mở trường, nhóm lớp

Một trong những vấn đề được nhiều nhà quản lý, hoạch định chia sẻ là vấn đề quản lý các nhóm lớp, cơ sở tư nhân. Đây là một nỗi lo khôn nguôi của những người làm quản lý giáo dục trước những chế tài của ngành còn chưa chặt chẽ.

Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT cho biết: Thông tư 28/2011 của Bộ GD - ĐT nêu rõ thẩm quyền cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục. Khi phát hiện nhà trường, nhà trẻ tư thục vi phạm, phòng giáo dục và đào tạo lập hồ sơ và thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về hành vi vi phạm. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm, trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường, nhà trẻ tư thục. Đây là các chế tài và quy trình xử lí ở mức cao nhất đối với các nhóm, trường nhà trẻ tư thục. Việc phân cấp quản lý này rất rõ ràng. Phòng Giáo dục quận, huyện là cơ quan phải chịu trách nhiệm.

Về những chính sách chung với giáo viên, ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh: “Muốn có những thay đổi về chính sách thì cần có sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước, đặc biệt là những biến chuyển trong đào tạo, bồi dưỡng liên tục cho giáo viên. Chương trình giáo dục mầm non ban hành từ năm 2009 đến nay chưa có chương trình nào hỗ trợ các trường sư phạm đổi mới công tác đào tạo để đáp ứng được nhu cầu của chương trình. Đây là một khó khăn, nhưng các trường sư phạm đã nỗ lực tiếp cận những vấn đề, nội dung mới của chương trình. Mặc dù định hướng của ngành giáo dục là lấy “trẻ làm trung tâm” nhưng để chuyển hóa thành chất lượng của đào tạo thì cần có nhiều sự hỗ trợ để đổi mới chương trình và giáo trình”.


Lê Vân
Hệ lụy bạo hành tinh thần trong trường mầm non - Bài I
Hệ lụy bạo hành tinh thần trong trường mầm non - Bài I

Bấy lâu nay, vì nhiều lý do mà một bộ phận giáo viên mầm non áp đặt trẻ vào các hoạt động trong lớp học bằng dọa nạt, cô lập. Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, những hành động này sẽ làm trẻ luôn trong nỗi sợ hãi và được coi là những bạo hành về tinh thần. Những sang chấn tinh thần này lâu dần sẽ hình thành tính cách tiêu cực và có hệ lụy lâu dài. Đây không phải là cách dạy “lấy trẻ làm trung tâm ” mà ngành giáo dục đang hướng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN