Hà Nội tăng học phí: Học sinh trường công ít ảnh hưởng

"Mức tăng học phí năm học 2017-2018 sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách". Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội.

Bên lề hành lang kỳ họp lần thứ kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ngày 4/7, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD ĐT) Hà Nội cho biết: Mức tăng học phí năm học 2017-2018, vừa được HĐND thông qua không phải là cao, không gây đột biến với phụ huynh học sinh.


Theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội, mức thu học phí đối với khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 80.000 đồng/tháng/học sinh), nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 40.000 đồng/tháng/học sinh), miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 10.000 đồng/tháng/học sinh).


Như vậy, so với năm học trước, ở khu vực thành thị tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực miền núi tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh.

Mức tăng học phí năm học 2017-2018 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc tăng tăng mức học phí như trên không gây ảnh hưởng lớn đến phụ huynh trong khu vực nội thành và không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách. Các đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố. Kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức đề xuất khoảng hơn 21,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ học sinh tiểu học Hà Nội cũng đang được miễn học phí.


“Đối với các trường tư, việc thu học phí giữa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường trên cơ sở đáp ứng về chất lượng đào tạo, cụ thể là chuẩn đầu ra. Việc ban hành khung học phí năm 2017-2018 thực hiện đối với các trường công lập và không ảnh hưởng đến biểu thu phí của các trường tư, trường chất lượng cao”, ông Độ phân tích thêm.


Năm học 2016 - 2017, tổng thu học phí theo quy định tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được 475,130 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng số chi. Trong đó, kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho Sở GD-ĐT theo định mức là hơn 8.521 tỷ đồng.


“Mức thu học phí điều chỉnh tăng trong năm học 2017-2018 nằm trong khung quy định của Chính phủ với mục đích huy động sự đóng góp của người học. Với mức thu trên, tổng học phí thu được là hơn 653 tỷ đồng, tăng lên 178,02 tỷ đồng so năm 2016-2017 và chiếm khoảng 7,7% tổng chi. Như vậy, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục”, ông Độ cho biết.


Sở GD ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trường công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học, tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện để công khai minh bạch và sử dụng đúng mục đích. “Nếu trường nào thu sai các khoản đóng góp, người dân có thể phản ánh trực tiếp tới Sở và phòng GD ĐT các quận, huyện, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các đơn vị thu sai”, ông Độ chia sẻ.


Không chỉ ý kiến của người làm quản lý cho rằng việc tăng học phí là bình thường; mà nhiều phụ huynh khi được hỏi cũng cho rằng, việc tăng này là đương nhiên và phù hợp.


Chị Ngô Thị Minh (Tòa nhà Hà Đô Park View, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Theo thông tin mà tôi đọc được từ báo chí thì mức đóng của học sinh THPT là 110.000 đồng/tháng, tăng 30.000 đồng so với trước. Mức này ở thành thị là chấp nhận được. Bởi như lý do mà lãnh đạo thành phố đưa ra đã rất rõ về việc đầu tư giáo dục là hợp lý. Nhưng liệu việc tăng này có kéo theo các khoản khác không. Đây mới là điều đáng lo hơn cả”.


Chị Minh cho rằng, tuy nhiên, Hà Nội bây giờ đã trải rộng có những vùng khó khăn, nên cũng cần tính đến việc hỗ trợ đối với học sinh những vùng này. Bên cạnh đó, việc tăng học phí này chắc chắn có ảnh hưởng nếu gia đình có hai con đang đi học. Đó là điều ngành giáo dục Thủ đô nên quan tâm hơn cả.


Tuy nhiên, với phụ huynh các trường chất lượng cao, việc tăng học phí có tác động không nhỏ. Mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với mầm non, tiểu học là 4,3 triệu đồng/học sinh/tháng, bậc  THPT là 4,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Hà Nội hiện có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 4 trường trung học đang thực hiện mô hình này.


Chị Phạm Mai Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị đã được thông báo học phí của con tăng thêm 200.000 đồng/tháng, chưa kể các khoản đi kèm. Tổng cộng cả học phí và các khoản đi kèm, mỗi tháng con chị phải đóng hơn 4 triệu đồng.


Trường THCS Nam Từ Liêm cũng là một trường áp dụng mô hình chất lượng cao và sẽ tăng học phí trong năm học này. Anh Nguyễn Thanh Liêm (Khu đô thị Nam Trung Yên), phụ huynh học sinh, cho biết: “Điều băn khoăn nhất là học phí tăng thì chất lượng có tăng. Đây là cam kết mà nhiều phụ huynh rất quan tâm. Dù tăng học phí, nhưng tôi vẫn sẽ cho cháu học tại trường, vì đây là trường gần nhà, cháu đỡ phải đi lại vất vả”.


Xuân Cường- Lê Vân/Báo Tin Tức
Hà Nội đề xuất tăng học phí đến 40%
Hà Nội đề xuất tăng học phí đến 40%

UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố tăng học phí với các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2017-2018 với mức tăng từ 25 đến 40%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN