Những ngày này, người dân đi trên tuyến phố khu trung tâm Hoàn Kiếm, Hà Nội đều tò mò chú ý đọc bảng hiệu giới thiệu tên đường có chú thích phía dưới. Theo đánh giá của nhiều người, sự xuất hiện của những dòng giới thiệu dưới tên đường đã giúp họ có cơ hội hiểu thêm ý nghĩa lịch sử của tên đường. Vì vậy, đây là cách dạy lịch sử qua tên phố mang nhiều ý nghĩa…
Hiểu thêm ý nghĩa tên đường phố
Theo nhiều người dân thường xuyên tập thể dục trên tuyến phố quanh Hồ Gươm và trước Tượng đài Lý Thái Tổ, biển báo tên đường có thêm phần chú thích được dựng lên trước Tết Nhâm Thìn, thu hút sự chú ý của nhiều người. Quan sát có thể thấy, những tấm biển này được dựng mới ở đầu tuyến phố và tách riêng rẽ với những tấm biển tên đường phố có trước đó.
Những tấm biển đề tên danh nhân, có chú thích phía dưới mới xuất hiện tại Khu trung tâm Hoàn Kiếm. |
Chị Thanh Hằng, một du khách đi dạo ven hồ Hoàn Kiếm cho biết: "Cách ghi phụ đề này rất hay, nó giúp người xem hiểu ý nghĩa tên của tuyến phố. Giờ tôi mới biết Lê Lai là Tướng của Lê Lợi có công trong kháng chiến chống quân Minh vào đầu thế kỷ 15, trước tôi cứ nghĩ ông là một anh hùng nào đó trong kháng chiến chống Pháp. Việc gắn tên biển có ghi chú thích này giúp những người Việt trẻ tuổi như chúng tôi hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Chứ nhiều người Việt do đọc sách truyện của Trung Quốc nhiều nên biết các nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc trong lịch sử hơn danh nhân người Việt".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho biết: Việc ghi chú thích tên đường phố là một sự thay đổi so với cách gắn biển trước đây. Các chú thích đợt thử nghiệm này mới chỉ dừng lại ở một số phố chính mang tên các anh hùng các dân tộc. Việc chú thích tên đường nếu triển khai rộng rãi, sẽ phải cân nhắc cụ thể và có những tiêu chí rõ ràng, bởi đường phố Hà Nội có nhiều loại như về danh nhân, phố nghề, địa danh như trong phố cổ Hà Nội có Hàng Bạc, Hàng Mã…
“Theo ghi nhận ban đầu, việc ghi chú thích tên đường phố thời gian qua đã nhận được phản ứng tích cực của người dân bởi đây là cách học lịch sử qua một cách tiếp cận khác, ngắn gọn dễ nhớ. Ví dụ như ghi rõ ngày tháng năm sinh, ngày mất thì người dân không thể nhầm ông Phan Đình Phùng là em ông Phan Đình Giót. Đồng thời người dân và du khách cũng hiểu rõ hơn những công trạng lớn của những danh nhân đóng góp trong công cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc ta”, Tiến sĩ Dơn cho biết thêm.
Sẽ rút kinh nghiệm nhân rộng
Đại diện truyền thông FPT, đơn vị triển khai dự án này cho biết, đây là dự án nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tuy nhiên, do có nhiều thủ tục về lắp đặt cũng như nội dung chú thích phía dưới nên dự án được chuyển sang tiếp năm 2011. Trước mắt, đã cắm biển triển khai tại 30 tuyến phố rồi lấy ý kiến trước khi nhân rộng. Đại diện FPT cũng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về dự án, và chỉ cho biết đang đợi ý kiến phản hồi của người dân rồi mới triển khai tiếp.
Được biết, sau khi FPT có đơn xin triển khai dự án gắn biển có ghi chú thích tên đường phố, dự án được Văn phòng UBND Hà Nội giao cho Sở VH,TT&DL và Sở Giao thông Vận tải có ý kiến để triển khai thực hiện. Theo đó, nội dung phụ đề ghi trên biển do Sở VH,TT&DL duyệt. Để triển khai việc này, Sở VH,TT&DL có công văn ngày 8/8/2011 xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Thành ủy góp ý vào nội dung biển phụ đề giới thiệu truyền thống lịch sử tên một số đường phố Thủ đô Hà Nội để Sở VH,TT&DL báo cáo các cấp cho FPT thực hiện.
Đến ngày 5/10/2011, sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy có văn bản thẩm định, Sở VH,TT&DL có văn bản yêu cầu đơn vị chỉnh sửa một số nội dung trên biển phụ đề sao cho ngắn gọn xúc tích. Đến đầu tháng 12/2011, Sở VH,TT&DL mới đồng ý về mặt nội dung và đề nghị Sở GTVT cho triển khai thực hiện. Đến đầu năm 2012, dự án mới hoàn thành cắm biển có ghi phụ đề tại 30 tuyến phố. Đại diện bên thực hiện dự án cho biết, do việc cắm biển có ghi phụ đề lần đầu tiên thực hiện tại Hà Nội, nơi có nhiều du khách thập phương nên sẽ đợi phản hồi rồi rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn, hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể ghi phần nội dung chú thích. Thực tế, trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, một số đơn vị truyền thông có đề nghị triển khai vấn đề này, trong đó có kèm đề nghị đặt logo doanh nghiệp trên biển báo nhưng Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội bác bỏ. Tại các biển tên đường đang thí điểm có ghi chú thích đang triển khai chỉ có logo thành phố Hà Nội. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng có một đợt treo tờ phướn chú thích tên đường phố nhưng một thời gian gió thổi bay làm xô lệch, rách và có sự tranh chấp việc đặt những tờ phướn này giữa Sở GTVT và Sở VH,TT&DL nên sau đó những tờ phướn đó bị gỡ bỏ. Do đó Hà Nội được coi như địa phương đầu tiên triển khai việc này, nên làm cẩn trọng, phải lấy ý kiến của dư luận trước khi nhân ra diện rộng.
Bài và ảnh: Xuân Cường