Gỡ nút thắt để đẩy mạnh tự chủ đại học

Các quy định pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả.

Để gỡ nút thắt trong vấn đề tự chủ đại học, điều quan trọng nhất là trao quyền tự chủ một cách trọn vẹn cho các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc đồng bộ các quy định pháp luật liên quan.

Chú thích ảnh
Hiện nay, 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tự chủ đại học.

Gỡ nút thắt về tài chính

Năm 2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện tự chủ theo lộ trình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thực hiện tự chủ tại trường đã tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương này cũng vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính. Việc cắt chi thường xuyên ngay sau khi cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của trường, dẫn đến hạn chế chi đầu tư cho các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Với các trường tự chủ, nguồn thu hiện nay vẫn chủ yếu là từ học phí, nhưng thực tế không phải ngành nào cũng thu hút được người học. Mặt khác, vấn đề hợp tác công tư đối với các đơn vị tự chủ (chính sách, pháp lý, tài sản...) cũng chưa đồng bộ, rõ ràng, tạo hành hang pháp lý cho đơn vị có thể giải quyết được vấn đề tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu học phí.

Việc triển khai thực hiện tự chủ ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, sau hơn một năm thực hiện tự chủ, Trường đã đạt được những kết quả bước đầu ở nhiều mặt từ đổi mới mô hình quản trị, phát triển đội ngũ đến phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực nhưng việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trường vẫn còn không ít khó khăn. Ngân sách chi đầu tư được cấp có xu hướng giảm trong khi nguồn thu tăng lên từ học phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi đầu tư và chi thường xuyên; còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về tuyển dụng nhân sự và chi trả thu nhập nên rất khó thu hút, giữ chân nhân sự có trình độ cao, chuyên môn giỏi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bên cạnh pháp lý, vấn đề tài chính cũng thực sự là một thách thức lớn đối với các trường trong thực hiện tự chủ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong phân tích, theo thông lệ quốc tế, cơ cấu tài chính của một trường đại học cơ bản cân bằng giữa 3 nguồn thu chính: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (tài trợ, dịch vụ, khai thác tài sản…). Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, khi trường đại học tự chủ tài chính thì nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước gần như không còn nữa, chỉ còn một ít kinh phí hạn chế cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, nguồn tài trợ và các nguồn khác rất eo hẹp, do đó gánh nặng tài chính sẽ đổ lên học phí. Sự chia sẻ của người học là đúng đắn để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của đại học, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhất định tùy thuộc vào điều kiện của xã hội. Hiện nay, tỷ lệ học phí trên tổng cơ cấu nguồn thu ở mỗi trường từ 70-90%, con số này trong cơ cấu tài chính là khá cao, dẫn đến áp lực với cả người học và trường đại học.

Giải bài toán về tài chính trong quá trình tự chủ, thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, Trường tăng cường dịch vụ khoa học - công nghệ; triển khai mạnh hợp tác doanh nghiệp, địa phương thông qua các đề tài, hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ, các dịch vụ đào tạo ngắn hạn và các dịch vụ hỗ trợ khác cho doanh nghiệp; triển khai dự án hợp tác quốc tế với nguồn kinh phí đáng kể, hỗ trợ đào tạo và nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khác. Cùng với đó, Trường thu hút các nguồn tài trợ từ các đối tác, doanh nghiệp, cựu sinh viên. Từ các hoạt động tăng cường nguồn thu này, sinh viên của trường cũng nhận được sự hỗ trợ đa dạng để giảm bớt gánh nặng về học phí.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng cường các nguồn thu khác với trường đại học hiện nay không dễ, bởi nguồn tài trợ hạn chế; khả năng khai thác tài sản trí tuệ, tài sản công gặp khó do ràng buộc pháp lý. Vì thế, để tạo thuận lợi cho các trường, đề xuất Trung ương nghiên cứu gỡ vướng về quy định pháp luật hoặc xây dựng cơ chế đặc thù cho trường đa dạng hóa nguồn thu như tạo cơ chế thông thoáng khai thác tài sản công, tài sản trí tuệ hình thành từ ngân sách nhà nước; tạo điều kiện cho nhà khoa học tham gia chính thức vào doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu.

“Mặt khác, trên cơ sở đánh giá toàn diện, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, đặc biệt các các trường đại học trọng điểm, đại học kỹ thuật, công nghệ vốn đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Đầu tư này cũng đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thế giới trong thời gian tới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong kiến nghị.

Cần đồng bộ về chính sách

Thực hiện tự chủ từ năm 2021, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, chủ trương tự chủ là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế của thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất vẫn là vấn đề pháp lý. Hoạt động của một trường đại học đang bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật và văn bản pháp lý liên quan. Trong khi đó, những luật này có nhiều điểm chồng chéo và ràng buộc, gây khó khăn cho sự phát triển của một trường đại học. Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu phải đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy tự chủ đại học với các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; về tài chính, tài sản; về học thuật và hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến rất nhiều vướng mắc cho các trường triển khai chủ trương này.

Cụ thể, bên cạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường công lập còn bị ràng buộc, điều chỉnh bởi rất nhiều luật chuyên ngành khác. Như về nhân sự, trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trao quyền khá rộng cho trường trong việc quyết định cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động... nhưng thực hiện các vấn đề này đều phải tuân thủ theo các như luật Luật Viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ luật Lao động… Về tài chính, tài sản và việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản và chưa thể chủ động do còn ràng buộc các luật như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai…

Hiện nay, 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tự chủ đại học (tự chủ chi thường xuyên). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá, hành trình tự chủ đại học trong thời gian qua của các đơn vị đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tích cực, cả số lượng công bố quốc tế và số chương trình được kiểm định quốc tế đều tăng nhanh, số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hiện nằm trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới; đứng đầu cả nước về số chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế và số công bố quốc tế…

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, trong tiến trình ấy cũng gặp không ít thách thức, chủ yếu liên quan đến tài chính đại học. Trong đó, quá trình thực hiện tự chủ, nguồn thu của các trường đại học chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn hạn chế; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.

Để giải quyết các thách thức đặt ra, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị tăng cường đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo. Nhà nước thực hiện đặt hàng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, để đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao cho quá trình phát triển. Cùng với việc mở rộng đối tượng hướng chính sách tín dụng sinh viên, Nhà nước nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Điểm nhấn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học
Điểm nhấn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học

Dự án "Nâng cao chất lượng giáo dục đại học" (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án của các trường đại học tham gia. Sau gần 6 năm thực hiện, dự án vừa là động lực, vừa là điểm nhấn trong giai đoạn phát triển tự chủ tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN