Hiện nay, quy mô mạng lưới trường, lớp của Thủ đô tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển với 2.746 trường học, 2.023.866 học sinh. Toàn thành phố công nhận mới thêm được 119 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (vượt 19 trường so với chỉ tiêu đề ra), nâng tỷ lệ trường công lập của toàn thành phố đạt chuẩn quốc gia lên 71,5%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020 là có từ 65% - 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia thì kết thúc năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã vượt chỉ tiêu đề ra sớm 1 năm, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020".
Năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục thực hiện có chất lượng Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng trung học phổ thông (trung học cơ sở) quốc gia Việt Nam và Chứng chỉ A Level (IGCSE) của Cambridge tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở công lập trên địa bàn thành phố. Kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện Đề án cho thấy, học sinh tham gia chương trình song bằng của Hà Nội có chất lượng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới.
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các bộ môn văn hóa và khoa học kỹ thuật năm 2019, học sinh giỏi thành phố Hà Nội đạt thành tích rất ấn tượng, với tổng số 155 giải (14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba, 38 giải Khuyến khích). Tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Hà Nội đã xuất sắc đoạt 338 giải, huy chương các loại (88 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 111 Huy chương Đồng, 34 giải Khuyến khích).
Không chỉ ấn tượng với số lượng và chất lượng giải của học sinh giỏi Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế năm 2019, nhiều học sinh Hà Nội đã giành những kết quả mới tiêu biểu, xuất sắc. Trong số đó phải kể đến: Học sinh Trần Bá Tân, lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam là học sinh Việt Nam đầu tiên kể từ trước đến nay đạt điểm tuyệt đối 40/40 trong phần thi thực hành Kỳ thi Olympic quốc tế môn Hóa học; học sinh Nguyễn Mạnh Quân, lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt điểm cao nhất thế giới trong Kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lí thiên văn.
Cũng trong năm 2019, lần thứ hai ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tổ chức thành công và giành kết quả cao Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) với sự tham dự của hơn 13 đoàn quốc tế. Kỳ thi đã được tổ chức thành công với chất lượng chuyên môn cao. Đoàn học sinh Hà Nội (đại diện Việt Nam) đã xuất sắc giành 3 cúp đồng đội và 23 huy chương cá nhân (6 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng). Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng tổ chức thành công Kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế IMSO 2019. Kỳ thi hội tụ 719 thí sinh, 293 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Học sinh của Việt Nam đã xuất sắc đoạt 15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng.
Tạo đà phát triển cho năm 2020
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, năm 2020, ngành sẽ đề xuất giải pháp hiệu quả với sự phối hợp các ban, ngành thành phố Hà Nội, tham mưu và hoàn thành xây dựng trường lớp học từng bước thực hiện quy hoạch, đề xuất xây mới, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học trên địa bàn thành phố, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn. Đồng thời, ngành sẽ rà soát trường lớp học để đề xuất kế hoạch bổ sung trường lớp, mở rộng diện tích khuôn viên trường học, đảm bảo đạt chuẩn.
"Ngành cũng sẽ tham mưu với thành phố Hà Nội xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm đảm bảo có đủ chỗ học cho học sinh các cấp học, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường học, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin", ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục, sắp xếp lại hệ thống các trường học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục, phân bổ hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, khuyến khích tính sáng tạo của người học.
Hướng tới thực hiện chương trình sách giáo dục phổ thông mới, Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng việc triển khai, quan tâm tới giáo dục thể chất để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ. Toàn ngành sẽ chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà, tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế…
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, năm 2020, Hà Nội có nhiều điều chỉnh trong cách thức và nội dung bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; tăng cường đào tạo bồi dường đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, ông Chử Xuân Dũng cho biết: "Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó khăn. Đồng thời tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiên của một số nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam và triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình tiếng Anh theo đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020". Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô sẽ thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật"…