Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn đã báo cáo tình hình thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc triển khai, quán triệt Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 (Nghị quyết 88, Nghị quyết 51) của Quốc hội cũng như quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Lai Châu có 227 trường phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đối với việc tuyên truyền đổi mới chương trình, sách giáo khoa, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa về hình thức, phù hợp với từng đối tượng trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Sau hai năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đang triển khai thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, kết quả cho thấy chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học hai buổi/ngày; cơ sở vật chất, đội ngũ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.
Việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, theo đúng hướng dẫn của các cấp. Sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp điều kiện của địa phương. Việc tổ chức thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi bước vào năm học mới. Về đội ngũ giáo viên, đến ngày 15/11/2022, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh Lai Châu là 8.369 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ được đào tạo trở lên đạt 78,81%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình như: Học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% nên một số yêu cầu về năng lực còn cao so với học sinh. Một số cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường ở năm đầu tiên triển khai còn lúng túng. Một số giáo viên chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học chưa linh hoạt, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ. Nhiều trường học thiếu các phòng học chức năng, phòng học bộ môn, diện tích sân chơi, bãi tập chưa đảm bảo…
Tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương sử dụng chung cho học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với Bộ Nội vụ, giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2026 đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ chế đảm bảo sinh viên được đào tạo đặt hàng sau tốt nghiệp trở về địa phương.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Giám sát đã làm rõ một số nội dung liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, giải pháp khắc phục, công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên; thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dạy học môn tích hợp; ảnh hưởng của việc sáp nhập các đơn vị trường đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu tỉnh Lai Châu cũng đã trao đổi, trả lời những ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đánh giá cao các vấn đề Đoàn Giám sát đã nêu đối với việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Dù ngân sách khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề xuất với Đoàn Giám sát có đề án dành cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, Tin học; quan tâm có chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên ở xã vùng 1.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Giám sát Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị và sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Phó trưởng Đoàn Giám sát đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản chỉ đạo của tỉnh để kịp thời điều chỉnh những văn bản bất cập, không phù hợp và chồng chéo nhằm thực hiện hiệu quả hơn.
Đồng thời, Lai Châu nên tích hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa nguồn lực cho công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và đầu tư hệ thống cơ sở vật chất; rà soát, bố trí giáo viên và tập trung cao độ cho việc tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, không vì thiếu giáo viên mà hạ tiêu chuẩn tuyển dụng; chú trọng nâng cấp và đào tạo chất lượng cho khoa sư phạm của Trường Cao đẳng Cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh.
Dịp này, Đoàn Giám sát và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn tặng 8 ngôi nhà đoàn kết (60 triệu đồng/ngôi nhà) và 150 triệu đồng tiền mặt cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Trước đó, ngày 29 và sáng 30/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến làm việc với UBND huyện Phong Thổ và một số trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.