Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Đức Lăng cho biết, toàn huyện hiện có 48 trường học với gần 25 nghìn học sinh và hơn 1.400 cán bộ giáo viên. Việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Từ năm 2015 đến 2022, toàn huyện huy động gần 470 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất các trường học.
Huyện đã tập trung đầu tư, cải tạo, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội hóa tài trợ các trang thiết bị dạy - học, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các cơ sở giáo dục thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập, bước đầu có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, biết trao đổi, hợp tác và đạt được các phẩm chất cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được coi trọng.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, quy mô số lớp, số học sinh tăng, dẫn đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời; ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyên môn. Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục Tiểu học của huyện còn thiếu hơn 50 giáo viên so với quy định. Do thay đổi về trình độ đào tạo đổi với giáo viên khối Mầm non và Tiểu học theo Luật Giáo dục 2019, nguồn tuyển dụng đối với cả 3 cấp học còn hạn chế. Việc bố trí giáo viên giảng dạy liên môn theo chương trình giáo dục phổ thông gặp khó khăn. Một số trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, diện tích một số phòng học phòng bộ môn nhỏ hẹp, công trình phụ trợ xây dựng đã lâu nên xuống cấp, chưa đồng bộ và không đủ tiêu chuẩn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lữ Doãn Anh Quân khẳng định, ưu tiên đầu tư công của huyện những năm qua là dành cho giáo dục. Trong đó chi mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên của huyện năm 2022 tăng đột biến lên hơn 9.000 tỷ đồng, năm 2021 là 3.000 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần rà soát, xác định nhu cầu đào tạo chung của cả nước để xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, từ đó giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên gắn liền với việc giao biên chế.
Các thành viên trong Đoàn giám sát yêu cầu huyện Tiên Lữ làm rõ một số nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc về vấn đề huy động nguồn kinh phí cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên cốt cán, công tác tuyển dụng biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ đánh giá cao sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho giáo dục của huyện Tiên Lữ; đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Cùng đó, huyện cần tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, động viên đội ngũ giáo kiên trì với chủ trương đổi mới, tiếp tục có chế độ đãi ngộ, công tác tuyển dụng biên chế, bồi dưỡng chuyên môn để các thầy, cô yên tâm công tác, vì các nhà giáo là yếu tố then chốt quyết định đến thành công của chương trình giáo dục. Đối với kiến nghị của huyện, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với Quốc hội xem xét giải quyết.