Giải quyết thực trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên - Bài 2: Khó tuyển dụng 

Thực trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ngành Giáo dục các địa phương vẫn chưa tìm ra phương án để giải quyết vấn đề này.

Phần vì do vướng cơ chế, chính sách mới trong việc tuyển dụng giáo viên, phần vì khó thu hút được giáo viên đến các vùng khó khăn với mức lương chưa thực sự hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Do thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Tin học được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum bố trí dạy tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Vướng mắc do cơ chế

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên Tiểu học và Trung học Cơ sở buộc phải có trình độ đào tạo Đại học trở lên. Thế nhưng tại khu vực Tây Nguyên, đa phần con em đồng bào dân tộc tại chỗ do kinh tế khó khăn nên các em chọn theo học Cao đẳng, Trung cấp ở địa phương. Vì vậy, ngành Giáo dục không thể tuyển dụng những sinh viên này do vướng quy định của Luật dù thiếu giáo viên.
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên mới, chủ yếu là giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học, tập trung ở một số huyện vùng sâu, vùng xa như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei. Nguyên nhân chủ yếu là Luật Giáo dục 2019 nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Mầm non từ Trung cấp lên Cao đẳng, của giáo viên Tiểu học từ Trung cấp lên Đại học. Các sinh viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo thường tập trung dự tuyển tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn.

Theo bà Phạm Thị Trung, đơn cử tại huyện Kon Plông, có 26 con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tốt nghiệp Cao đẳng và Trung cấp sư phạm, thế nhưng khi có quy định mới, các em cũng không được tuyển dụng.

"Nếu hạ chuẩn một bậc so với Luật Giáo dục 2019 để tuyển dụng các em thì được, nhưng bảo họ đi học theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP lên để đạt chuẩn thì rất khó khăn bởi điều kiện gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, 26 em ở 10 chuyên ngành khác nhau nên rất khó xếp lớp, có những em đăng ký 2, 3 năm nay nhưng không có lớp do chưa đủ số lượng", ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho hay.

Đầu năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh và các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai đã tuyển dụng được 580 giáo viên. Mặc dù vẫn còn thiếu hơn 3.000 giáo viên nhưng tỉnh không thể tuyển dụng hết do thiếu nguồn giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Khó thu hút giáo viên

Chú thích ảnh
Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu, xã Hòa Thuận (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải phân lịch cho giáo viên dạy từ 24 - 26 tiết/tuần, trong khi theo quy định giáo viên chỉ được dạy 19 tiết/tuần. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Việc không thể tuyển được giáo viên tại chỗ do vướng cơ chế khiến các trường học buộc phải tuyển giáo viên ngoài địa bàn. Song thực tế, mức đãi ngộ đối với giáo viên chưa cao khiến không ít người, dù đã học tập và làm việc nhiều năm cũng không muốn "dấn thân", nhất là vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Tây Nguyên.

Trường hợp chị Y Gia Nhi (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là một ví dụ. Năm 2017, chị Gia Nhi được tuyển dụng làm giáo viên Tiểu học tại huyện Tu Mơ Rông với mức lương 3 triệu đồng. Không thể ổn định cuộc sống với mức lương này, chị Gia Nhi buộc phải dừng ước mơ trở thành cô giáo sau 3 năm đứng trên bục giảng để đi xuất khẩu lao động. Nhờ quyết định đó, thu nhập của chị Gia Nhi tăng từ 3 – 4 lần, cuộc sống dần ổn định hơn.

Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu, thành phố Buôn Ma Thuột cũng chia sẻ, hiện chế độ ưu đãi, chính sách cho đội ngũ nhà giáo còn thấp, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng phụ cấp, giáo viên mới có thể yên tâm công tác.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhận định, chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên vẫn ở mức thấp, phần nào chưa thể thu hút được sinh viên mới ra trường. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh chính sách tiền lương đối với nhà giáo; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp công tác tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc khu vực còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đề nghị xem xét, giao bổ sung cho tỉnh thêm 1.021 biên chế ngành Giáo dục để đáp ứng kịp thời sự gia tăng học sinh; ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để Đắk Nông thực hiện tốt hơn Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Ngay cả khi tuyển dụng được giáo viên theo diện hợp đồng, các trường học tại khu vực Tây Nguyên vẫn không chắc chắn sẽ "giữ chân" được giáo viên bởi điều kiện khó khăn, phức tạp của địa hình cùng những thay đổi trong cuộc sống. Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bộc bạch, mỗi năm ngành Giáo dục huyện thuyên chuyển hơn 150 giáo viên ra khỏi địa bàn. Phần vì giáo viên công tác xa nhà nên muốn xin về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, phần vì một số giáo viên lập gia đình nên xin nghỉ để đến một nơi khác sinh sống.

"Để giải quyết tốt nhất vấn đề này vẫn là sử dụng giáo viên người địa phương, không những thuận tiện cho công tác mà việc giao tiếp với học sinh bản địa cũng thuận tiện hơn. Thế nhưng con em đồng bào dân tộc thiểu số đa phần chỉ học Cao đẳng, không đảm bảo được yêu cầu theo Luật Giáo dục 2019, chúng tôi không thể tuyển dụng được nên tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra hàng năm", ông Nguyễn Minh Cường phân tích.

Bài cuối: Chủ động các giải pháp 

Nhóm phóng viên TTXVN tại khu vực Tây Nguyên
Giải quyết thực trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên - Bài cuối: Chủ động các giải pháp
Giải quyết thực trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên - Bài cuối: Chủ động các giải pháp

Năm học mới 2023 - 2024 đã bắt đầu song đến nay, nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại khu vực Tây Nguyên vẫn đang "đau đầu" vì thiếu giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN