"Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã lấy lời dặn này của Bác Hồ trong bức thư gửi cho ngành giáo dục ngày 15/10/1968, để làm lời nhắn nhủ tới tất cả các thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục và đào tạo trong cả nước, đặc biệt là những thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi có tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt thì chúng ta mới có thể góp phần đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam, cũng như hạn chế được những mặt tiêu cực đang tồn tại trong nền giáo dục hiện nay.
Cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", phát sóng trong chương trình thời sự tối 18/11, trên kênh VTV3- Đài THVN xoay quanh những vấn đề này.
Hy vọng vào sự đổi mới
Dù giáo dục và đào tạo Việt Nam luôn có những cải tiến, đổi mới, nhưng theo nhìn nhận chung của dư luận xã hội thì hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng về giáo dục tri thức, hạn chế về kỹ năng, thiếu tính áp dụng trong thực tế, đặc biệt là nặng nề đối phó với thi cử…"Và chúng tôi rất kỳ vọng đề án đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo do Bộ GD&ĐT xây dựng vừa trình Hội nghị Trung ương 6 sẽ có thể thổi một luồng gió mới vào nền giáo dục Việt Nam"- một khán giả tâm tình.
Theo những phân tích của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, xem ra chúng ta có thể hy vọng vào sự đổi mới "căn bản và toàn diện này", sẽ có đổi mới về mục tiêu giáo dục và đào tạo, cụ thể là: Bên cạnh mục tiêu đào tạo con người xã hội, con người đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lần này đề án đã đề nghị "chú trọng cả con người cá nhân". "Thứ hai là đổi mới hệ thống giáo dục với việc xây dựng một hệ thống giáo dục mở, theo hướng là xây dựng xã hội học tập, đảm bảo nhu cầu học suốt đời cho mọi người. Thứ ba là đổi mới về phương thức giáo dục đào tạo, mà ở đó, chúng ta sẽ chuyển một cách căn bản từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, sang nền giáo dục lấy mục tiêu hình thành, bồi dưỡng, phát triển nhân cách của con người làm mục tiêu cốt lõi", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để thực hiện được những mục tiêu này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong nền giáo dục Việt Nam, xóa bỏ một phương pháp học tập đã tồn tại rất lâu và thậm chí "ăn sâu" vào đầu óc cả thầy lẫn trò, đó là cách dạy và cách học theo kiểu "thầy đọc trò chép, rồi học thuộc lòng trả bài". "Phải xây dựng cách dạy và cách học mới, trong đó vai trò của thầy giáo là người tổ chức, hướng dẫn để các học trò tìm hiểu các chân lý, các kiến thức", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”
Ngày 20/11 sắp tới, nhưng không vì thế mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại hiện nay của ngành giáo dục đào tạo.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hình thức đào tạo liên thông với chúng ta là mới, nhưng đây là hình thức đào tạo tiên tiến, hiện đại và là xu hướng phát triển của giáo dục đào tạo trên thế giới. Và theo Bộ trưởng, nếu chúng ta quản lý tốt, đảm bảo chất lượng đào tạo thì đây chính là một hình thức để đảm bảo cho con người, nhất là người lao động ở bất cứ lứa tuổi nào, trên bất cứ cương vị công tác nào có hội để phấn đấu, nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với phản ánh của đông đảo khán giả về tình trạng tràn lan các chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp đến cao đẳng, đại học hiện nay của Việt Nam; với những biến tướng như việc "coi việc lấy bằng liên thông như một xu hướng đi đường vòng để lấy bằng đại học"; cũng như nỗi lo ngại rằng điểm đầu vào liên thông thường rất thấp, thậm chí không cần thi cũng vào được, vậy sẽ không thể đảm bảo chất lượng bằng đại học qua liên thông... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Qua việc thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số cơ sở đào tạo triển khai chương trình đào tạo liên thông này có những vi phạm khá nghiêm trọng như: đào tạo liên thông khi chưa được cấp phép; đã có giấy phép dưới hình thức vừa học vừa làm nhưng cam kết cấp bằng chính quy để thu hút học viên; đào tạo liên thông khi chưa đảm bảo những điều kiện về chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng thầy cô giáo cũng như những điều kiện khác. Chúng tôi đã chấn chỉnh và sẽ có những giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này".
Bộ trưởng cũng cảnh báo với người học hãy chịu khó tìm hiểu thông tin để tìm đúng những cơ sở đào tạo tốt. Theo thông tin của Bộ trưởng, hiện Bộ GD&ĐT mới cấp phép cho 16 trường đại học được phép tổ chức đào tạo liên thông và danh sách 16 trường này đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ.
Một vấn đề nữa cũng được khán giả đề cập và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời khá thẳng thắn là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay. Theo Bộ trưởng, tình trạng này là một thực tế khách quan, "tồn tại một phần xuất phát từ nhu cầu chính đáng của bản thân các cháu học sinh và phụ huynh, muốn con em mình từ học yếu, học kém trở nên học trung bình, học khá; các cháu học trung bình, học khá thành học giỏi". Tuy nhiên, bên cạnh phần chính đáng đó, thì có một bộ phận dạy thêm, học thêm tràn lan, gây phản cảm. "Nguyên nhân trước hết là do một bộ phận các thầy cô giáo có động cơ vụ lợi, đã bằng hình thức này hoặc hình thức khác ép buộc học sinh, ép buộc các bậc phụ huynh đưa học sinh đến học thêm; rồi dành một phần nội dung học chính khóa không giảng trên lớp, mà đến khi học thêm mới giảng", Bộ trưởng phân tích.
Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ GD&ĐT đã triển khai một loạt giải pháp tổng thể, trong đó đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học và thi, đặc biệt là phương pháp thi. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lấy ví dụ: "Trước đây với môn văn các cháu phải học thuộc lòng các nội dung, các ý cần trả lời của từng bài văn, rồi có tập văn mẫu; khi thi lại ra đúng các đề đó, và các cháu phải trả lời đúng các ý như vậy, theo một đáp án có sẵn thì mới được điểm cao. Nay chúng tôi đã thay đổi bằng cách ra những đề thi gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của đất nước, gắn với suy nghĩ của thế hệ trẻ".
Không thể phủ nhận việc vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong ngành giáo dục và đào tạo, tuy nhiên, như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã có lời kêu gọi với những người trong ngành, rằng "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt".
Tuyết Anh