Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 14/2 cho biết Trung Quốc vừa từ chối lời đề nghị từ 10 trường đại học của Ôxtrâylia muốn hợp tác với các trường đại học địa phương đào tạo bậc đại học.
Một góc của trường đại học Adelaide ở Ôxtrâylia. Ảnh: Internet. |
Trả lời phỏng vấn ABC về lý do vì sao Trung Quốc từ chối hợp tác giáo dục với các trường đại học của Ôxtrâylia, Giáo sư Anthony Welch từ Khoa giáo dục thuộc Đại học Sydney, cho biết Chính phủ Trung Quốc không thích mô hình nhượng quyền kinh doanh (franchise), họ không muốn các trường đại học của Ôxtrâylia mở cơ sở tại đây cũng như không muốn các trường ở Trung Quốc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ những yêu cầu hợp tác đào tạo... Nói tóm lại, Trung Quốc không mong chờ những cơ hội hợp tác này.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ đạt mức gần nửa tỷ người vào năm 2020. Ngành giáo dục của quốc gia này buộc phải phát triển để đáp ứng nhu cầu giáo dục khổng lồ của tầng lớp này.
Trong 20 năm qua, Ôxtrâylia đã thu lợi rất nhiều từ xuất khẩu giáo dục và các trường đại học của nước này đã thu hút hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc.
Tuy vậy, Giáo sư Anthony Welch nhận xét điều này cũng khiến các trường đại học Ôxtrâylia phụ thuộc nhiều hơn vào lượng sinh viên quốc tế. Do đó, khi số lượng du học sinh sụt giảm rõ rệt do tỷ giá đồng AUD tăng, điều này đã tác động mạnh mẽ đến giáo dục đại học Ôxtrâylia. Trong bối cảnh cạnh tranh với các nền giáo dục khác trong khu vực, tất cả các trường đại học Ôxtrâylia nên xem xét lại các kế hoạch phát triển của mình. Giáo sư Anthony Welch cho rằng các trường đại học Ôxtrâylia nên từ bỏ kế hoạch ngắn hạn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, họ nên nhắm đến Mỹ với những mục tiêu dài hạn hơn.
Trong khi đó, số lượng sinh viên theo học ngành nông nghiệp ở Ôxtrâylia hiện giảm đáng kể và đây là một xu hướng phổ biến tại nước này. Vào năm 1989, toàn Ôxtrâylia có 23 trường đại học đào tạo ngành nông nghiệp nhưng đến nay, sau quyết định của Đại học Tây Sydney ngừng chương trình của khoa Nông nghiệp vì quá ít sinh viên nộp đơn xin học, chỉ còn 9 nơi giảng dạy nghề này. Theo Giáo sư Jim Partley thuộc Hội đồng các Trưởng khoa Nông nghiệp Ôxtrâylia, lý do khiến sinh viên không muốn theo đuổi ngành nông nghiệp vì theo họ, đây là một ngành nhàm chán và có nhiều ngành khác thú vị hơn.
Nếu như số lượng các sinh viên và cơ sở đào tạo cho ngành nông nghiệp tại các trường đại học không tăng lên thì Ôxtrâylia sẽ đứng trước nguy cơ thiếu lao động có trình độ làm việc trong ngành này. Hiện tại, theo đánh giá của Hội đồng các Trưởng khoa Nông nghiệp Ôxtrâylia, ngành nông nghiệp cần khoảng 4.000 lao động tốt nghiệp đại học mỗi năm, nhưng hiện Ôxtrâylia chỉ đào tạo được 700 sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hiện tượng tranh giành nhân sự giữa các doanh nghiệp và những chuyên viên trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải làm việc vất vả hơn do thiếu sự trợ giúp từ những đồng nghiệp. Giáo sư Jim Partley khẳng định tất cả những điều trên đều không có lợi cho Ôxtrâylia vì nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu cũng như đảm bảo đời sống và nguồn thực phẩm chất lượng cho người dân nước này.
Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)