Đồng hành để Nhà giáo giữ lửa nghề

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo”.  

Video cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy Lịch sử, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: 

Tình yêu nghề là động lực vượt khó

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy Lịch sử, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có 19 năm trong nghề giáo.Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vĩnh Phúc, cô Hà đã xung phong lên vùng khó để dạy học. Vượt qua vô vàn khó khăn ban đầu, cô giáo Hà trụ vững với nghề bởi tình yêu thương với học trò vùng cao.

“Lai Châu đã trở thành quê hương thứ hai của tôi khi tôi gắn bó với nghề giáo và xây dựng gia đình nơi đây", cô giáo Nguyễn Thị Hà nói. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hà nhớ lại: "Những tình cảm của học trò nơi đây lại là động lực để tôi gắn bó hơn với nghề giáo. Có dịp 20/11, quà của các em là túi củ sắn vừa mới dỡ trên nương. Có lần gửi cô một bó hoa rau cải. Cảm nhận được những tình cảm chân thành của học sinh vùng khó, bản thân tôi đã thương yêu vùng đất này từ lúc nào. Cũng từ những tình cảm đó, tôi mong muốn được cống hiến với vùng đất đặc biệt khó khăn này". 

Cô giáo Trương Thị Hương, giáo viên dạy Toán, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Khấu Ly, huyện Trạm Tấu là một trong những gương mặt tiêu biểu của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái năm 2023. Cô giáo Hương là một trong những tấm gương vượt khó để bản thân thích ứng với đổi mới giáo dục cũng như giúp học sinh tiếp cận được chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Cô giáo Trương Thị Hương chia sẻ: "Với bộ môn Toán mà tôi trực tiếp giảng dạy, tôi đã mày mò tự tìm hiểu, có gì chưa rõ hỏi đồng nghiệp để sao cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và sử dụng thiết bị sao cho hiệu quả nhất".

Còn cô Trần Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Châu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam chia sẻ: Giáo viên mầm non là bậc học còn nhiều thiệt thòi nhất.  Các cô đang thực hiện công việc quan trọng nhất là chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn và ngủ, vệ sinh cá nhân. Các vị phụ huynh chỉ trông 1 - 2 con nhỏ đã vất vả thế nào, nhưng giáo viên chúng tôi phải đứng lớp với hàng chục cháu. Tôi mong xã hội đừng nhầm giữa khái niệm người trông trẻ và giáo viên mầm non".

Cô Minh Châu nói về những áp lực của giáo viên mầm non nhưng luôn khẳng định, bỏ qua những thực tế vất vả đó, các cô giáo mầm non đã làm tròn vai, vừa là một cô giáo vừa là một người chăm sóc trẻ. Mỗi giáo viên mầm non không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng nuôi dạy trẻ.  Vì vậy khi giáo viên giảng dạy phải sử dụng ngôn ngữ dành cho trẻ nhỏ, kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu. Dành tất cả tình yêu thương nhẫn nại và kiên trì, vẽ đẹp, múa hay, hát giỏi để dạy dỗ các con.

 Bộ trưởng khẳng định: Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Cần lắm sự đồng hành từ nhiều phía 

Nhân dịp 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo; đã đặt giáo dục ở vị trí quan trọng - là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Ngay việc Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu ngành Giáo dục phải đổi mới cũng ít nhiều có áp lực với nhà giáo nhưng đây cũng là tạo ra những cơ hội để nhà giáo phát triển".  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho thầy giáo tiêu biểu, duy nhất được tuyên dương ở cấp học Mầm non. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Vì vậy, về chế độ, chính sách, gần đây ngày càng thêm nhiều chính sách tốt để phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo.  Tuy nhiên, trong công việc triển khai đổi mới nhà giáo còn nhiều mong đợi để công việc tốt hơn.  

Trong đó nhà giáo mong chờ trước hết khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao thì mong Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo được đời sống của nhà giáo, nhà giáo có thể hoàn toàn sống bằng lương, chỉ làm một công việc của nhà giáo mà có thể sống được. Đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ. Và có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thể hiện sự chia sẻ với giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2 - 3 trình độ… Như ở Hà Giang vừa qua có vợ chồng giáo viên trên đường đi vào trường đã xảy ra tai nạn… Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hoá nhiều hơn, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn. Có như vậy công cuộc đổi mới hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn". 

"Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để đảm bảo các điều kiện tốt. Ở ngay cả những nơi chưa phải khó khăn nhưng việc đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất có mức độ như việc trang bị phòng học bộ môn, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy và học còn cần thêm nhiều nữa. Do đó, lực lượng nhà giáo mong muốn, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà giáo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy của mình, chú tâm vào chuyên môn. Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới", Bộ trưởng nói. 

Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần. Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn.

Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mà cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh.

"Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía xã hội, kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.  Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần tinh thần từ phía xã hội. Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả. Trong một xã hội khi nghề nhà giáo tôn nghiêm còn là giá trị, tinh thần lành mạnh của xã hội.  

Toàn ngành đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới đại học. Trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau; trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này.

Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến các thầy, cô để tiếp tục điều chỉnh đổi mới một cách có lý luận, có định hướng. Chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và cần giữ sự tôn nghiêm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để có sự tôn nghiêm, với nhà giáo cần làm thật tốt công việc của mình; từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý. Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo".

Lê Vân/Báo Tin tức
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Trao thưởng cho các nhà giáo tiêu biểu
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Trao thưởng cho các nhà giáo tiêu biểu

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN