Dồn dập khoản thu đầu năm học mới

Học sinh cả nước đang trong Tuần lễ sinh hoạt tập thể trước khi vào năm học mới, nhất là các học sinh đầu cấp. Tại nhiều trường ở các thành phố lớn, phụ huynh đã phải đối diện với những khoản đóng góp dưới hình thức “tự nguyện”, “xã hội hóa”.

 

Bao nhiêu khoản thu?

 

“Con chị phải “cõng” bao nhiêu khoản thu?” là câu hỏi phổ biến giữa các phụ huynh ở Hà Nội khi so sánh khoản phí phải đóng đầu năm học giữa trường này với trường kia.

 

Phụ huynh phải được công khai bằng văn bản các khoản thu đầu năm học.

“Tiền học bán trú 360.000 đồng/12 buổi; tiền ăn 240.000 đồng/12 buổi; tiền chăm sóc 120.000 đồng; tiền máy chiếu, điều hòa 990.000 đồng; tiền đồng phục 325.000 đồng; tiền mua sách giáo khoa ở trường 600.000 đồng; ngoài ra còn có tiền khăn ướt 10.000 đồng, tiền mua bàn ghế mới; tiền nước uống; tiền hỗ trợ cha mẹ học sinh... Tổng số tiền phải đóng là hơn 3 triệu đồng và phải đóng ngay lập tức”. Đây là chia sẻ của một phụ huynh (xin giấu tên) có con chuẩn bị vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Vị phụ huynh này còn cho biết thêm, không hiểu vì sao trong danh sách khoản thu còn có cả tiền... giấy ướt.


Khi được hỏi vì sao không thắc mắc, vị phụ huynh này bày tỏ: “Những người ngồi cạnh tôi chỉ thắc mắc với nhau còn nói ra thì đa số ý kiến là “đóng đi thôi”. Vừa mới vào trường đã... gây ấn tượng thì không hay. Tâm lý mẹ nào cũng vậy, không muốn con mình khác các bạn nên đành bấm bụng mà đóng”.

 

Tâm lý các phụ huynh thường là ngại thắc mắc về các khoản thu của trường.

 

Một trong những khoản thu phổ biến trong những năm gần đây được nhiều phụ huynh tâm sự là: tiền điều hòa, tiền máy chiếu. Đây là những khoản đóng góp “lớn mặt” nhất trong hàng tá khoản được nêu ra. Khi được hỏi thì mỗi trường đều có lý do khá hợp lý cho những khoản thu này.


Cũng trong buổi họp phụ huynh ở Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), phụ huynh trên cho biết, mỗi người được phát một tờ phiếu lấy ý kiến phụ huynh về việc trang thiết bị máy chiếu và máy điều hòa. Trong đó ghi rõ về giá cả, tiền công lắp... Tổng kinh phí cho máy chiếu là trên 53 triệu đồng và điều hòa là 26,5 triệu đồng chia cho đầu học sinh thì mỗi học sinh phải đóng gần 1 triệu đồng. Nhưng khi hỏi Ban giám hiệu thì chỉ được trả lời là: “Đây là hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chúng tôi chỉ phụ trách chuyên môn là chính và trường hoàn toàn không có khái niệm vận động”. Đa số những phụ huynh chẳng biết làm sao ngoài việc bấm bụng đóng góp.


Đầu năm học mới, các khoản thu lại là chủ đề được dư luận xã hội quan tâm.

 

Trong những khoản thu ấy, thậm chí còn có những khoản thu đối với “học sinh trái tuyến”. Chị Nguyễn Thu M. có con trai chuẩn bị bước vào lớp 1 của một trường tiểu học (xin được giấu tên) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tâm sự: “Chưa đến năm học nhưng ngay từ đầu tháng 8 con tôi đã nộp khoản tiền đồng phục: 430.000 đồng cho 3 bộ quần áo: 1 bộ mùa hè, 1 bộ thể thao và 1 bộ dài tay. Chất lượng thì chưa dám bàn tới. Tiếp đó tôi được mời tới trường để nghe về khoản đóng góp. Sau một hồi quan sát thì tôi biết đây không phải là lớp cháu học mà là tập hợp rất nhiều phụ huynh có lẽ là “có con học trái tuyến”. Đây cũng không hẳn là buổi họp phụ huynh. Chỉ biết đại diện Hội cha mẹ học sinh thông báo là mỗi học sinh sẽ phải đóng một khoản là: 1,2 triệu đồng tiền cơ sở vật chất (trong đó đã bao gồm tiền điều hòa). “Mức 1,2 triệu đồng này là mức chúng tôi đưa ra, còn lại nếu nhà nào khó khăn quá thì cũng có thể đóng góp ở dưới mức này, tùy tâm. Còn nếu có ai hảo tâm đóng thêm chúng tôi sẽ tiếp nhận”, vị đại diện này nói.


Chị Thu M. ngậm ngùi: “Nhiều người đã rất vất vả để có một suất học trái tuyến. Nay dù với mức đóng góp như thế nào chúng tôi cũng chấp nhận. Đa số phụ huynh đều có tâm lý là không muốn con bị chú ý hay bị tẩy chay. Chẳng lẽ lại chỉ đóng 500.000 đồng. Tôi nghĩ người ít nhất chỉ dám đóng 1 triệu đồng, còn lại sẽ đều bằng hoặc hơn mức đại diện Hội cha mẹ học sinh đưa ra. Tôi từng chứng kiến có trường hợp khi đóng ít tiền cho con không theo mức trần, về nhà con rất tủi thân kể lại: Cô giáo và các bạn nói con thuộc diện nhà nghèo. Tôi không muốn con tôi bị phân biệt đối xử như vậy nên sẽ cố gắng đóng đầy đủ. Tôi biết đây vẫn chưa phải là buổi họp phụ huynh đầu năm. Nên sẽ còn có những khoản thu nữa đang đón chờ”.


Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho biết: “Có những lớp học khi các cháu vào học đã có sẵn điều hòa, máy chiếu của các anh chị khóa trên. Nên khi vào học đương nhiên các cháu phải đóng tiền. Không thể bắt một khóa tự mua và tự trang bị hết được”. Trả lời về những khoản thu, đa số lãnh đạo các trường được hỏi đều từ chối giải thích rõ, với lí do “Đây là vấn đề của Ban phụ huynh, họ đề ra và họ tự vận động. Trên tinh thần tự nguyện hết. Ban giám hiệu có trách nhiệm giám sát việc thực hiện, nếu 100% không đồng ý thì trường cũng không cho thu”.


Gần đây, trong công văn về việc chuẩn bị lễ khai giảng năm học 2012 - 2013 và ổn định nề nếp đầu năm học gửi các phòng GD - ĐT, các trường trên địa bàn Hà Nội, Sở GD - ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường công khai các khoản thu - chi đầu năm, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 09 về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD - ĐT và hướng dẫn của ngành.
Một chuyên gia giáo dục cho biết, đến hẹn lại lên, các khoản thu đầu năm học đã trở thành mối nhức nhối trong dư luận xã hội cũng như nỗi lòng của các bậc cha mẹ. Hiện tượng này đã được nhắc đi nhắc lại nhưng dường như “căn bệnh” này không mất hẳn mà chỉ biến từ dạng này sang dạng khác.

 

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Chấm dứt lạm thu dưới mọi hình thức:  Chuẩn bị năm học mới, Bộ đã yêu cầu Sở GD - ĐT sớm tham mưu với UBND tỉnh/thành phố ban hành các văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện việc quản lý dạy thêm học thêm, quản lý các khoản thu, chi trong nhà trường; chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định, lạm thu dưới mọi hình thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Thời gian tới Bộ cũng sẽ ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện như thế nào để vận dụng vào trong nhà trường. Tất cả các khoản thu tự nguyện phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai các khoản thu chi, sử dụng trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Những thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là những nơi thường xảy ra tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan. Bộ yêu cầu những nơi này phải tự trao đổi nghiêm túc với nhau để chia sẻ kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục trong năm học này. Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo theo yêu cầu của các hoạt động dạy và học. Ngoài ra, đối với các vùng khó khăn cần có biện pháp cung ứng đủ sách giáo khoa, giấy, vở cho học sinh, vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, cả nước cần thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh là đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở, để bước vào năm học mới.

 

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT: Cấm thu tiền đóng góp cho trường Năm học mới này, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thay thế điều lệ cũ ban hành năm 2008 sẽ tiếp tục có hiệu lực. Thay đổi mới nhất trong điều lệ này là Bộ đưa ra điều khoản quy định những việc mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép làm. Cụ thể, không được quyên góp của người học hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được dùng kinh phí hoạt động của mình để chi vào các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN