Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Gs TsKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: laodong.com.vn |
* Xin Thứ trưởng cho biết việc cho phép các trường thực hiện đề án tuyển sinh riêng bắt đầu từ 2014 dựa trên cơ sở pháp luật nào ?Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh cũng như chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Mới đây nhất, Nghị quyết Trung ương 8 đã xác định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật cũng như chỉ đạo của Đảng, Bộ đã triển khai công tác giao quyền tự chủ cho các trường. Thực tế cách đây 3 năm Bộ đã yêu cầu các trường chuẩn bị đề án tuyển sinh riêng làm thí điểm.
* Thứ trưởng có thể đánh giá ý nghĩa việc thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?Việc giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, xây dựng phương án tuyển sinh riêng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy và học bậc phổ thông. Trong đề án đổi mới toàn diện giáo dục cũng xác định rõ chuyển từ cung cấp kiến thức cho học sinh sang phát triển năng lực cho học sinh. Đó là điều quan trọng, cần thiết trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Vì vậy phải đổi mới công tác tuyển sinh đại học cao đẳng để hướng việc học tập và giảng dạy ở phổ thông theo hướng phát triển năng lực mỗi cá nhân. Vì vậy Bộ đã chọn đổi mới tuyển sinh là bước đầu tiên để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
* Vậy đâu là nguyên tắc cơ bản khi các trường thực hiện đề án đổi mới tuyển sinh riêng?Việc các trường tuyển sinh riêng là nghĩa vụ của các trường. Bộ có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trường nên Bộ đã soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để các trường có thể thực hiện tuyển sinh riêng. Trong đó, một số nguyên tắc cụ thể như các trường không được luyện thi tràn lan, công khai để xã hội và thí sinh có thể giám sát. Trong đề án các trường phải nêu rõ các điều kiện đảm bảo quyền tuyển sinh riêng ví dụ như ra đề thi, chấm thi… để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất tức là xác định đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
* Bộ có quy định về số môn thi hay thời gian cụ thể mà các trường thực hiện theo đề án tuyển sinh không, thưa Thứ trưởng?Đề án tuyển sinh lần này có quy định rất mở. Các trường có quyền xác định số môn thi, tự chọn phương thức thi như xét tuyển, thi tuyển… Thời gian tuyển sinh theo dự thảo là tối đa 2 lần/năm và thời điểm tuyển sinh Bộ sẽ quy định và trường sẽ chọn. Nếu để các trường tự do tuyển sinh sẽ gây nặng nề trong công tác tuyển sinh. Thời gian tổ chức 1 đợt trong tháng 7, 1 đợt nữa vào tháng khác. Như vậy thí sinh sẽ có nhiều cơ hội tham gia thi tuyển hơn.
* Kỳ thi 3 chung có còn tiếp tục nữa hay không, thưa Thứ trưởng?Để đảm bảo hỗ trợ cho những trường chưa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh riêng và để giúp học sinh không bị xáo trộn nặng trong việc thay đổi phương pháp học, trong vòng 3 năm tới, Bộ vẫn duy trì tuyển sinh 3 chung. Khi các trường đã quen thuộc và chủ động thì sẽ triển khai tuyển sinh riêng.
* Sau khi giao cho các trường tự chủ như vậy, Bộ có nhàn hơn hay không?Khi giao cho các trường tự tuyển sinh thì công tác thanh tra, giám sát sẽ nặng nề hơn. Mỗi trường có một đề án riêng và phải giám sát chất lượng theo đề án đó. Bộ sẽ phối hợp với các Bộ chủ quản cũng như địa phương để thực hiện tốt công tác này.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi lúc nhận hồ sơ đề án, Bộ sẽ trả lời xác nhận đề án có đạt tiêu chuẩn không. Thời hạn cuối cùng Bộ nhận hồ sơ đề án tuyển sinh riêng của các trường là 10/2/2014. Có nhiều đề án hiện nay làm rất tốt nhưng vẫn cần điều chỉnh thêm đề mực theo quy định mới này.
Những trường có đề án tuyển sinh riêng và đã được Bộ công nhận phù hợp tiêu chí đặt ra phải công khai trên trang web của trường cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác để xã hội và thí sinh cùng theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dựa vào đó để kiểm tra như số lượng giáo viên ra đề, giáo viên coi thi… và xử lý nếu vi phạm.
Hoàng Hoa - Ngọc Anh (
thực hiện)