Điểm trung bình dự kiến xung quanh mức 7 điểm
Theo Tổ Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề thi môn Toán giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây, đồng thời các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đã được giảm nhẹ để phù hợp với thời gian làm bài thực tế từ 120 phút xuống 90 phút và điều kiện ôn tập của các bạn học sinh. Bên cạnh đó, đề thi vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh.
Cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc nhằm tránh gây ra sự xáo trộn, bỡ ngỡ cho các thí sinh. Tuy nhiên, để phù hợp với thời gian làm bài thi, các câu hỏi trong đề thi đã được điều chỉnh cho phù hợp, giảm số ý và giảm độ khó các câu hỏi.
Cụ thể như sau:
Bài 1. So với đề thi năm 2020-2021, đề thi năm 2021- 2022 đã giảm bớt ý thứ 3 – là câu hỏi ở mức độ vận dụng, đòi hỏi thí sinh cần vận dụng nhiều kiến thức để giải quyết yêu cầu của bài toán.
Bài 2. Không có sự thay đổi về độ khó và dạng bài. Ý đầu là bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình – hệ phương trình gắn liền với thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán.
Ý thứ 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.
Bài 3. Không có sự thay đổi về độ khó và dạng bài, cấu trúc tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và 1 ý về hàm bậc hai, trong đó có sử dụng định lí Vi-ét ở mức độ quen thuộc.
Bài 4. Như thường lệ vẫn là bài về hình học.
So với đề thi năm 2020 - 2021, đề thi đã giảm bớt ý 3. Tuy nhiên, ý thứ 2 của đề thi đã tăng độ khó so với ý 2 câu 4 của năm 2020 nhằm mục tiêu phân loại thí sinh.
Bài 5. Vẫn là câu hỏi về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại thí sinh. Tuy nhiên, câu hỏi này chỉ đòi hỏi thí sinh có kỹ năng biến đổi khéo léo một chút là có thể xử lí được.
Nhìn chung về cấu trúc đề năm 2021 về cơ bản không có sự thay đổi so với năm 2020. Đề thi vẫn tập trung chú trọng đánh giá các yêu cầu về kiến thức, yếu tố thực tế chưa chiếm tỉ lệ cao. Đề thi giảm về độ khó và giảm bớt 1 số ý trong câu hỏi cho phù hợp với tính hình thực tế. Tuy nhiên, với thời lượng làm bài là 90 phút, việc hoàn thành 5 câu hỏi vẫn là một thách thức lớn đối với các em thí sinh; đòi hỏi các em phải nhanh và chính xác trong từng câu hỏi để có thể hoàn thành tốt bài thi.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội: Đây là đề thi nhẹ nhàng, phù hợp với diễn biến của học sinh ôn thi trực tuyến, thi vào 10 trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Đề thi có tính phân loại thí sinh tương đối tốt. Câu hỏi phân loại thí sinh là câu II. Hai bài toán về tương giao của đường thẳng và parabol. Ý thứ 2 của câu 2 bài IV và bài V.
Thầy Nguyễn Cao Cường nhận định: “Mặc dù đề nhẹ nhàng nhưng cũng có những điểm nút phân loại học sinh, đặc biệt là trình bày và yếu tố vẽ hình chính xác. Dự kiến điểm Toán sẽ cao hơn so với năm trước".
Thí sinh cần sự tỉ mỉ
Thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Với việc thời gian làm bài giảm đi 1/4, điều này đòi hỏi thí sinh cần có sự tỉ mỉ và chính xác trong quá trình làm bài, để tránh mất điểm. Đề thi phù hợp với thời gian 90 phút và vẫn đảm bảo phân loại học sinh trong việc xét tuyển vào lớp 10. Các đơn vị kiến thức đều nằm trong chương trình học của học sinh, theo đúng định hướng tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phổ điểm sẽ phổ biến ở mức 7 hoặc 8 điểm".
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, Giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc đề thi và các dạng giống như các năm gần đây. Nhìn chung với đề thi này là phù hợp với thời lượng 90 phút và vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Phổ điểm chung mà học sinh có thể đạt được là 7 điểm. Tuy nhiên với những học sinh ôn tập bài bản và kỹ thì điểm 8 - 9 thì các em hoàn toàn có thể đạt được.
Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán, trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội) cũng đánh giá: Đề thi đã được giảm bớt 2 ý vận dụng thường thấy trong cấu trúc đề thi: Bài 1c (căn thức) và Bài 4 (câu hình ý c) và giảm mức độ khó của các ý còn lại. Đó là những đơn vị kiến thức đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ. Với cấu trúc đề thi như thế này, vẫn đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và hai ý vận dụng còn lại (một phần ý 2 của bài 4 hình và bài 5), cũng đủ phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 90 phút. Hai ý phân loại năm nay ở mức vừa phải so với mọi năm. Ý hình nếu học sinh nhận ra đường thẳng Simson thì sẽ làm khá nhanh, còn bài 5 cũng là dạng quen thuộc với nhiều học sinh giỏi.
Thầy Quang cũng có lời khuyên cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9: “Mặc dù về hình thức thi thay đổi, nhưng kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước. Như vậy, các em năm sau vẫn bám sát vào cấu trúc đề thi các năm trước, lấy các dạng bài đó làm trọng tâm ôn tập. Tuy nhiên, đề thi luôn có xu hướng đổi mới, vì vậy ngoài những phần kiến thức trọng tâm này các em cần lưu ý sang năm có gì thay đổi về hình thức thi, về xu hướng đổi mới gì không (như phần toán thực tế trong đề thi …)”.