Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và các nhà khoa học tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tự chủ đại học là thuộc tính cần thiết của đại học theo đúng quy luật của thế giới. Các trường đại học cần nhìn thẳng vào thực tế chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay cũng như xếp hạng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới; số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, từ đó chú trọng vai trò của tự chủ đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, việc trước hết cần làm là đổi mới tư duy của lãnh đạo các trường. Tiếp đó, cần định hình rõ vai trò của Hội đồng trường có quyền quyết định hai vấn đề: Tổ chức bộ máy nhân sự và vấn đề tài chính. Đồng thời, các trường phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử chi tiết về tất cả mọi mặt, được tập thể cán bộ, giảng viên của trường thông qua, đây là cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ. Bên cạnh đó, các trường cần có cơ chế lập quỹ học bổng để đảm bảo cho các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trường phải đẩy mạnh kiểm định, đảm bảo công khai, minh bạch; tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình với xã hội để các trường đại học thực sự là cơ sở làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình thực hiện tự chủ còn rất nhiều gian nan, thách thức. Do vậy, các trường đã thực hiện tự chủ cần tiếp tục triển khai và lan tỏa tinh thần tự chủ đến tất cả các trường đại học khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, tổ chức bộ máy nhân sự, đặc biệt là về học thuật để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sau ba năm triển khai, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm; 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017. Tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài (chưa hết chu kỳ đào tạo một khóa học) nhưng các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.
Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ lãnh đạo các trường, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai tự chủ đại học thời gian qua để từ đó thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề ra kế hoạch, lộ trình triển khai đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng cho biết, sau hội nghị này, các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu để hoàn thiện Nghị định về chính sách tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập; đồng thời là căn cứ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học hiện hành, sửa đổi bổ sung một số luật có liên quan để tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn cho việc thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.