Hiện nay, một bộ phận không nhỏ các giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang trở thành “thợ dạy” mà quên đi nhiệm vụ tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bằng việc học tập và nghiên cứu khoa học - một nhiệm vụ để nâng cao chất lượng của ngành. Do đó, ngành giáo dục đang có những nỗ lực nhằm giúp giảng viên yên tâm dành thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học.
Đây đó vẫn còn “thợ dạy”
Một vị giáo sư (GS) ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Ở vị trí là người thầy, dù ở bất cứ cương vị nào luôn phải nâng cao trình độ. Luôn tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu. Nhưng thực tế, tôi biết nhiều đồng nghiệp quanh mình vẫn là “thợ dạy”. Họ đi dạy học như chạy sô, không còn thời gian để nghiên cứu, tự nâng cao kiến thức của mình nữa. Điều này dễ hiểu, đồng lương của nghề giáo thực sự chưa đáp ứng được đời sống cho họ. Nhìn những PGS hay GS mải đi dạy thêm mà quên đi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tôi thấy phí phạm quá”.
Công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học đang là vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
“Việc nâng cao nghiệp vụ hay làm các đề tài khoa học là điều hết sức cần thiết. Sinh viên, học viên rất cần những cái mới mẻ, phương pháp truyền đạt thông thái của người thầy. Những điều này cần phải có thời gian đầu tư, nhưng không ít người thầy vì mưu sinh nên đã “gác” lại nhiệm vụ đó. Thực tế điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục”, vị GS này bộc bạch.
Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH và sau ĐH, một nguyên nhân khác khiến giảng viên dành ít thời gian cho nghiên cứu khoa học chính là việc giáo viên còn chịu áp lực giảng dạy cao. Ở nhiều trường đại học, do giáo viên có số giờ giảng dạy quá nhiều nên cũng ít có thời gian cho nghiên cứu khoa học.
Tạo điều kiện để giáo viên yên tâm với nghề
Tại buổi tuyên dương các nữ nhà giáo vùng đồng bằng sông Hồng, trao đổi với phóng viên Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Tôi nghĩ mức lương tối thiểu của giáo viên đã được nâng qua nhiều đợt. Nhưng đảm bảo cho nhà giáo sống được bằng lương là nỗ lực chung của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Vì lương tăng mà giá cả không được bình ổn thì đời sống giáo viên cũng khó được đảm bảo. Giáo viên vùng khó khăn phải có những hỗ trợ, ưu đãi riêng. Hiện nay, công đoàn ngành giáo dục đã và đang tiếp tục quan tâm, chăm lo cho những giáo viên có điều kiện khó khăn, ổn định cuộc sống gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Công đoàn ngành giáo dục đang làm rất tốt chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và đang được sự hưởng ứng từ các địa phương. Đây chính là mấu chốt để nhà giáo ở những vùng khó, điều kiện còn hạn hẹp tập trung vào chuyên môn”.
Công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học đang là vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Chia sẻ về những đầu tư nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nghề giáo, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đến giữa năm 2011 đã có 268 trường ĐH, học viện, CĐ lập danh sách và cử 24.396 giảng viên đi đào tạo tiến sỹ trong và ngoài nước đến năm 2020. Công tác chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý của các trường ngày càng được chú trọng, một số trường ĐH lớn đã bắt buộc cán bộ quản lý phải có kiến thức về quản trị đại học hiện đại, có tầm nhìn xa, nắm bắt được xu thế phát triển của khoa học - công nghệ và quản lý tiên tiến trên thế giới để xác định mục tiêu, chiến lược của nhà trường.
“Bộ GD - ĐT đã xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, phấn đấu đến năm học 2014 - 2015 chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Kiên quyết chấm dứt giảng viên phải lên lớp vượt quá nhiều giờ so với quy định. Các trường phải công khai giờ giảng, đề tài nghiên cứu khoa học của từng giảng viên trên website của trường như là một nội dung của 3 công khai”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD - ĐT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục cử cán bộ, giảng viên và sinh viên đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng khác nhau. Sơ kết Đề án 322 về đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2005 - 2010. Triển khai thực hiện Đề án 911 về đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020, đề án đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử. Trong năm học 2011 - 2012 cử trên 900 giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 911.
Lê Vân