Đây được coi là giải pháp hợp lý trong thời điểm này nhằm giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng học tập khi quay trở lại trường, cũng như sẵn sàng bước vào các kỳ thi chuyển cấp sắp tới.
Kho học liệu phong phú cho giảng dạy trực tuyến
Dạy học trực tuyến không phải là phương pháp mới mà được triển khai vài năm trở lại đây, khi các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, cách tổ chức học tập này được ứng dụng mạnh mẽ khi học sinh phải tạm nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, giúp học sinh không gián đoạn kiến thức, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Dạy học trực tuyến hay tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường; giáo viên có thể thiết kế học liệu số, bài giảng E-learning giúp học sinh tự học…
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-learning đoạt giải trong các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng E-learning do Bộ tổ chức. Kho dữ liệu này có bài giảng đầy đủ các cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, với nội phong phú của các môn học trải dài các lớp học. Đây là nguồn học liệu chất lượng để các nhà trường lựa chọn và hướng dẫn học sinh tham khảo, cùng với hệ thống bài giảng điện tử mà giáo viên nhà trường chủ động xây dựng để cung cấp cho người học trong dịp các em không thể đến trường vì COVID-19.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các trường sư phạm hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện dạy học từ xa trong thời điểm học sinh nghỉ học.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa mở kho học liệu trực tuyến tương tác đa chiều, miễn phí tất cả các nội dung và chức năng trong suốt thời gian học sinh học tập tại nhà để phòng chống dịch bệnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện nay, đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học. Tuy nhiên, với các nền tảng này, các thầy cô đang tìm cách để làm quen và dạy học trực tuyến với không ít khó khăn. Giáo viên mất nhiều thời gian soạn bài giảng, đọc, chấm bài, báo cáo với nhà trường, khó để quản lý chất lượng học sinh...
Để khắc phục những nhược điểm của các công cụ trên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng, cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến Online Math có đầy đủ công cụ như: quản lý lớp học, quản lý giáo viên, quản lý học sinh, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể.
Với việc sử dụng công cụ dạy học trực tuyến của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo viên chọn bài giảng video tương tác, chọn bài tập hoặc bài kiểm tra và giao bài cho học sinh. Học sinh học và làm bài trên hệ thống, máy tính chấm điểm và thống kê kết quả. Nhà trường và phụ huynh có thể giám sát, theo dõi được quá trình học tập của học sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thọ Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Kho học liệu về giáo dục số do Trung tâm Khoa học tính toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt – Ngữ văn ở bậc phổ thông, đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác. Với 500 video bài giảng tương tác và 10.000 bài tập tương tác, tất cả học sinh ở mọi cấp học, giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh học sinh đều có thể sử dụng dễ dàng kho học liệu này.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng ngân hàng học liệu này để bao phủ tất cả các môn học ở bậc học phổ thông cũng như đa dạng hóa hình thức bài giảng, mở rộng công cụ cho giáo viên và nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Dạy học trên truyền hình – đáp ứng nhu cầu của vùng khó khăn
Cùng với việc triển khai các hình thức học tập trực tuyến, qua internet, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai tổ chức chương trình dạy và học trên truyền hình, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực khó khăn, chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất để học tập trực tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia và các thầy cô, phương pháp học qua truyền hình sẽ hiệu quả vì hiện nay, đa phần nhà nào cũng có tivi. Tuy nhiên, việc học qua truyền hình buộc học sinh phải tự giác, cùng với đó là vai trò đốc thúc, giám sát của phụ huynh.
Từ ngày 15/3, Nghệ An đã chính thức triển khai dạy học trên truyền hình đối với lớp 9 và lớp 12. Chương trình phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần và kéo dài cho đến trước thời điểm diễn ra các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Trung học phổ thông quốc gia khoảng 1 tuần. Mỗi số phát sóng bài dạy có thời lượng 45 phút/môn học. Trong đó, từ ngày 15 – 21/3, khung giờ phát sóng bài học cho lớp 9 từ 8h - 8h45, lớp 12 từ 17h - 17h45 mỗi ngày. Từ ngày 23/3, các chương trình dạy học trên truyền hình phát sóng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần vào khung giờ từ 17h - 17h45.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cho rằng, thời điểm này, học sinh nghỉ dài nên triển khai học trực tuyến, học trên truyền hình là hợp lý. Với đặc thù địa phương có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, chưa có internet, Sở đã giao cho các nhà trường, huy động giáo viên ở các điểm trường cho học sinh học nhóm. Việc học qua internet có thể gặp khó khăn nhưng học qua tivi sẽ hiệu quả vì nơi nào có điện nơi đó có tivi.
Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh khối lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh một tuần 2 lần, giúp người học các vùng khác nhau được tiếp cận hệ thống bài giảng của giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong tỉnh.
Chương trình dạy học qua truyền hình của Thái Nguyên cũng đã bắt đầu được phát sóng từ ngày 16/3, qua hai kênh TN1 và TN2. Chương trình dành cho học sinh lớp 5 và lớp 9, giúp các em ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức đã học, chuẩn bị sẵn sàng cho các kì thi cuối cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, chương trình tập trung củng cố những kiến thức học sinh đã học, ôn tập, hệ thống hóa theo các chuyên đề. Đối với lớp 5, chương trình triển khai hai môn Toán và Tiếng Việt, còn với lớp 9 là ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Mỗi bộ môn của từng khối lớp được phối hợp thực hiện bởi một nhóm giáo viên trong tỉnh có chuyên môn và kinh nghiệm về dạy học trực tuyến. Sở cũng sẽ có những đánh giá cụ thể và kịp thời về nội dung, cách thức của chương trình dạy học qua truyền hình, để tiếp tục có những điều chỉnh và nâng cao, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến. Đồng thời, rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng; không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp.