Chương trình môn Ngoại ngữ mới: Phát triển đường hướng giao tiếp

Ngoại ngữ là môn học được giới thiệu sau cùng để công khai để lấy ý kiến của người dân.

Sử dụng các học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin... sẽ giúp nâng cao hiệu quả dạy học Ngoại ngữ. Ảnh: TTXVN

Theo Ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếng Anh sẽ là môn Ngoại ngữ 1. Học sinh sẽ được làm quen với môn tiếng Anh từ lớp 1 và 2. Từ lớp 3 đến lớp 12, đây  là môn học bắt buộc.

Tiếng Anh là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát  triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh và góp phần hình thành, phát triển năng lực chung, để học các môn học khác cũng như để học suốt đời.

Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh sẽ có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng để học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập suốt đời, trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

Cụ thể, học sinh bậc tiểu học sẽ có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.

Học sinh bậc THCS sẽ xây dựng khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”.

Học sinh bậc THPT cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.

Ở cấp Tiểu học, môn Tiếng Anh sẽ có 140 tiết (bình quân 4 tiết/tuần). Với cấp THCS và THPT sẽ học 105 tiết (3 tiết/tuần).

Trong chương trình mới, hoạt động kiểm tra đánh giá sẽ được thực hiện theo 2 hình thức: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ
. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp.

Chương trình mới có kế thừa gì từ Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó có khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Tuy nhiên, đề án này thời gian qua đã được đánh giá là không hiệu quả, không đạt được các mục tiêu đã đề ra. Có tình trạng học sinh sau 12 năm học trong nhà trường vẫn không nói, sử dụng được ngoại ngữ trong việc học tập và giao tiếp.

Vì vậy, theo đại diện Ban soạn thảo, chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh lấy đường hướng giao tiếp làm đường hướng chủ đạo. Đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong dạy học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.

Theo Ban soạn thảo chương trình môn Ngoại ngữ, để chương trình được thực hiện thành công, phải tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học.

Ngoài tiếng Anh, học sinh có thể học môn Tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, Tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn (môn tự chọn, học từ lớp 6 đến hết lớp 12).


L.S/Báo Tin tức
Nhu cầu giáo viên không biến động nhiều khi áp dụng chương trình mới
Nhu cầu giáo viên không biến động nhiều khi áp dụng chương trình mới

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1. Hà Nội chính là địa phương tổ chức đầu tiên triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN