Chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tiếp cận năng lực trẻ

Ngày 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Chương trình giáo dục mầm non mới có tính tiếp cận năng lực trẻ và liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc. Ảnh: Thế Đại. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Năm 2009, Chương trình giáo dục mầm non đã được Bộ GD&ĐT ban hành và thực hiện trên toàn quốc. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt". 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục mầm non đã tốt nhưng là chưa đủ làm tốt hơn nữa, do đó, khi bắt tay xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ GD&ĐT muốn lắng nghe kinh nghiệm từ thực tiễn, khuyến cáo của các chuyên gia để việc xây dựng sẽ đạt mục tiêu đặt ra.

Với tầm quan trọng của bậc học nền tảng, có vai trò quyết định trong hình thành nhân cách, thể chất của con người, với những thách thức khi triển khai xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới như đòi hỏi tính liên ngành, tính tích hợp cao, Bộ trưởng mong rằng, sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến từ hội thảo, qua đó có được những định hướng đúng đắn về xây dựng chương trình, tránh được nhiều nhất những sai lầm. Đảm bảo, chương trình vừa tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới, khoa học của giáo dục mầm non, vừa phù hợp với thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam.  

Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Christophe Lemiere cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, những quốc gia có sự đầu tư vào giáo dục mầm non, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường. Đầu tư mầm non cũng giúp các bà mẹ dành thời gian nhiều hơn cho công việc, từ đó tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.

Nêu quan điểm về việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: "Việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới dựa trên nhiều căn cứ khoa học. Cụ thể, 60% kỹ năng của một công dân toàn cầu là có trước khi vào trường phổ thông. Minh chứng khoa học cũng cho thấy, những năm đầu đời của trẻ quyết định quan trọng trong những năm học phổ thông. Những năm học phổ thông của trẻ quyết định việc học suốt đời của các em". 

Về những điểm mới trong chương trình giáo dục mầm non, GS.TS Lê Anh Vinh biết: "Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, trong đó coi "Năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục". Chương trình mới lấy trẻ em làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm, thiên hướng của từng em, phát triển tiềm năng sáng tạo của mỗi trẻ em với tư cách là chủ thể trong quan hệ với bản thân, với trẻ em khác, người lớn và thế giới xung quanh". 

Ba điểm nổi bật của Chương trình giáo dục mầm non mới so với chương trình hiện hành chính là: Xây dựng chương trình tiếp cận năng lực; Có tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc thực hiện chương trình. 

Bộ GD&ĐT sẽ đưa nội dung cảm xúc xã hội vào giáo dục mầm non; Trẻ học ngôn ngữ sớm, làm quen công nghệ và sử dụng công nghệ… Chương trình cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, gia đình, nhà trường. Đồng thời, nhấn mạnh chất lượng đội ngũ, tập huấn giáo viên là điều rất quan trọng.  

GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh, để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới thì phần hướng dẫn thực hiện vô cùng quan trọng và quyết định việc triển khai chương trình có thành công hay không. Vì thế, trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT rất cần được trao đổi, lắng nghe của các thầy cô.

Lê Vân/Báo Tin tức
Chất lượng đội ngũ và lương giáo viên mầm non chưa tương xứng với công việc
Chất lượng đội ngũ và lương giáo viên mầm non chưa tương xứng với công việc

Sau 10 năm phát triển chương trình giáo dục mầm non, toàn quốc có tới 99% trẻ được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra chất lượng đội ngũ và lương giáo viên mầm non còn thấp, chưa tương xứng với công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN